Nguyễn Ngọc Thiện là tác giả Việt Nam duy nhất đoạt giải cuộc thi “Nhiếp ảnh đại dương quốc tế 2023”, hạng mục Những rạn san hô trên thế giới và Chân dung động vật biển.
Vườn san hô Hòn Yến – tác phẩm giải nhì hạng mục Những rạn san hô trên thế giới. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện).
Kết quả cuộc thi được Tổ chức Bảo tồn đại dương Ocean Geographic Society (OGS) và tạp chí Hải dương học Ocean Geographic (OG) công bố đầu tháng 6. Theo đó nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Thiện là tác giả người Việt duy nhất có ảnh đoạt giải, gồm giải nhì ở hạng mục “Những rạn san hô trên thế giới”, với tác phẩm “Vườn san hô Hòn Yến” chụp tại vùng biển Phú Yên và giải khuyến khích ở hạng mục “Chân dung động vật” với tác phẩm “Cá nóc và cốc nhựa” chụp trong chuyến lặn biển ở quần đảo Nam Du, Kiên Giang.
Việt Nam hiện có khoảng trên 1.100km2 rạn san hô. Hòn Yến còn là nơi có hệ sinh thái phong phú cả dưới nước và trên cạn với tính đa dạng sinh học cao. Kết quả nghiên cứu năm 2022 của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) đã ghi nhận có 22 loài san hô thuộc 7 họ tại Hòn Yến, nhiều loài chỉ được ghi nhận ở vùng biển tỉnh Phú Yên, điển hình đó là san hô mềm thuộc họ Alcyoniidae và san hô lỗ đỉnh (chi Lobophytum).
“Những bức ảnh san hô trở nên ấn tượng hơn khi chụp sóng biển phân tách cảnh quan độc đáo giữa hai thế giới – trên mặt nước và dưới mặt nước cùng lúc trong cùng một khung hình, bằng kỹ thuật chụp underwater split-shots”, anh Thiện mô tả kỹ thuật chụp bức ảnh đoạt giải nhì.
Tác phẩm “Cá nóc và cốc nhựa” giải khuyến khích hạng mục Chân dung động vật. (Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiện)
Cuộc thi Nhiếp ảnh đại dương quốc tế được tổ chức thường niên, vinh danh những tác phẩm ấn tượng nhất liên quan đến đại dương, qua đó truyền tải kiến thức và lan tỏa thông điệp bảo tồn môi trường, hệ sinh thái đại dương.
2023 là năm thứ 10 cuộc thi được tổ chức, gồm 17 hạng mục ảnh: các rạn san hô trên thế giới, hành vi động vật biển, chân dung động vật biển hay mối liên hệ giữa con người và đại dương… Tổng giải thưởng trị giá 90.000 USD.