Ra mắt năm 1997, Đất Phương Nam đã trở thành một tượng đài của dòng phim truyền hình Việt Nam. Hành trình tìm cha của cậu bé An đã gắn bó với những bữa cơm gia đình cũng như tuổi thơ của vô số thế hệ khán giả. Sau 26 năm, phiên bản điện ảnh ra đời với nhiều cải biên. Song, chúng không mang lại hiệu quả mà còn giảm giá trị tác phẩm.
Đất Rừng Phương Nam lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ vào thập niên 1930. Phim xoay quanh An (Hạo Khang) – một cậu bé thành thị theo học trường Pháp. Song, thân phận làm Cách mạng của cha An bị bại lộ khiến cậu bé phải cùng mẹ (Hồng Ánh) bỏ trốn về miền Tây. Trên đường đi, mẹ An qua đời vì chiến loạn. Thấy thương cậu bé bơ vơ, tên trộm Út Lục Lâm (Tuấn Trần) bèn dẫn An theo. Hành trình tìm cha của cả hai trải dài qua nhiều tỉnh Nam Bộ, gặp gỡ những phận đời khác nhau dưới sự cai trị của Pháp.
Bối cảnh đẹp miên man
Với một bộ phim về thời kỳ lịch sử như Đất Rừng Phương Nam, việc tái hiện bối cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Và sự kỳ công của ê-kíp đã mang lại một kết quả vượt quá sự mong đợi. Hình ảnh xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh thời xưa với những bộ bà ba chân chất, những nét văn hóa du nhập từ cả Trung Quốc, Campuchia kết hợp một cách hài hòa.
Những cánh đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, rừng U Minh rậm rạp, sông ngòi chằng chịt hay bãi bùn đều đậm chất Miền Tây. Từ đường phố, thôn xóm, biển hiệu đều được phục dựng rất tỉ mỉ. Sự trù phú của miền đất Phương Nam, cá tôm đầy ắp, trái cây trĩu quả được thể hiện qua khu chợ nổi sầm uất, đông đúc người dân qua lại.
Những họat động đặc trưng của người dân như nghe hát cải lương, họp chợ, đá gà… được tái hiện khá sống động. An, Cò (Kỳ Phong) và Xinh (Bảo Ngọc) vẫn có những thú vui của trẻ em làng quê như cưỡi trâu, tắm sông, chọc tổ ong…
Song, phần bối cảnh vẫn có một vài điểm trừ đáng tiếc. Các nhân vật nói chuyện với nhau bằng các ngôn từ khá hiện đại, thậm chí còn bắt trend như Gen Z, nhiều từ ngữ đặc trưng của Miền Tây không hề xuất hiện. Ngoài ra, kỹ xảo phim đôi chỗ vẫn khá tệ, như hình ảnh con cò bay dọc bờ sông, cá sấu hay những con đom đóm ghép thành hình ảnh người mẹ rõ ràng là dùng CGI ghép vào khung hình một cách cẩu thả, đơ cứng.
Cảm xúc lưng chừng, cái gì cũng chưa tới
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng nói Đất Rừng Phương Nam là sự kế thừa, lấy cảm hứng từ cả tiểu thuyết và phiên bản truyền hình. Bộ phim giữ lại bối cảnh và một số nhân vật từ 26 năm trước nhưng cũng cắt đi không ít và cải biên nhiều chi tiết. Đơn cử như nhân vật Ba Ngù (NSƯT Hồ Kiểng), gia đình Tám Luông bị loại bỏ. An cũng không ở chung với dì Tư Ù (Tuyền Mập).
Thay vào đó, Út Lục Lâm được đẩy lên thành tuyến nhân vật chính và đi cùng với An từ ngày mẹ cậu nhóc qua đời. Thay vì lăn lộn sống sót ngoài từ đồng ruộng cho đến rừng thì cả hai nay chỉ tập trung ở thành thị để ăn trộm. Phim vì thế mà chẳng thấy “đất” hay “rừng” của phương Nam nữa.
Không những thế, hàng loạt nhân vật quan trọng chỉ xuất hiện một cách thoáng qua rồi biến mất một cách mờ nhạt. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dường như “sợ” phần hai khó ra rạp nên phải nhồi nhét nhiều nhất có thể dẫn đến phim trở thành một mớ hỗn độn, cái gì cũng chưa tới.
Nhân vật thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn) vốn là người quan trọng trong cuộc đời An thì nay chỉ còn vài phút. Thầy Bảy không chỉ là người giúp An học tính phản kháng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước sai cách, dùng thần giả quỷ lừa người dân. Vai diễn của NSND Thanh Điền vốn mang lại rất nhiều cảm xúc nhưng nay trở nên nhạt nhoà.
Thay vào đó, trường đoạn lẽ ra là của thầy Bảy nay phải nhường sóng cho bác Ba Phi “nói đạo lý”. Phim cố tình tạo ra những đoạn lấy nước mắt đặc trưng mà Trấn Thành áp dụng vô số lần từ Bố Già (2019) cho đến Nhà Bà Nữ (2022). Song, tất cả đều non tay, không được đào sâu hợp lý. Mối quan hệ của nhân vật hay ấn tượng họ mang đến cho người xem cũng chưa đủ để tạo nên cảm xúc cần thiết.
Mọi thứ của Đất Rừng Phương Nam chỉ ở mức lưng chừng cảm xúc, không khai thác sâu mà chỉ muốn dùng thủ thuật câu nước mắt. Thậm chí, nhiều chi tiết còn được thực hiện khá ngu ngơ, tạo cảm giác buồn cười hơn là buồn lòng. Những màn chọc cười của phim cũng hời hợt, nhạt nhoà như chính chiều sâu của nó vậy.
Lạm dụng hành động, quên mất ý nghĩa cốt lõi
Không chỉ thay đổi nội dung, Nguyễn Quang Dũng còn biến Đất Rừng Phương Nam thành một bộ phim hành động với nhiều cảnh các phe phái chiến đấu với người Pháp. Khoan bàn đến chuyện đúng sai về mặt lịch sử, việc lạm dụng yếu tố hành động khiến tác phẩm mất đi giá trị vốn có.
Trong phiên bản truyền hình và nguyên tác tiểu thuyết, An lưu lạc nhiều nơi, chứng kiến sự đau khổ của người dân qua những mảnh đời khác nhau. Người Phương Nam vốn dĩ chất phác, tần tảo và có phần cam chịu. Chính vì thế mà sự tàn bạo của cường quyền và thực dân Pháp còn vượt quá sức chịu đựng đến mức những con người hiền lành ấy phải nổi dậy bạo động.
Sự đau thương ấy thể hiện ở việc dì Tư Ù bị đốt mất quán ăn thân thuộc. Ông Ba Ngù kể câu chuyện vợ con bị Pháp sát hại dã man trên đường về quê ngoại ăn đám giỗ để rồi bản thân trở nên điên điên, khùng khùng. Tám Luông (Chí Hiếu) phải tự sát vì con gái bị địa chủ nhòm ngó. Gia đình Mười Chức bị ngang nhiên cướp đất đến mức người vợ mang thai cũng qua đời.
Do đã cắt sạch những tuyến nhân vật ấy, phim lại lan man vào những màn bắn giết, đấu võ vô nghĩa. Phim chẳng thể hiện được sự tàn ác của Pháp cũng như những khổ đau mà người dân phải chịu. Tất cả chỉ được thể hiện qua lời nói sáo rỗng của vài nhân vật như bác Ba Phi.
Không những thế, yếu tố hành động của Đất Rừng Phương Nam cũng mang tính siêu thực như ông Tiều phóng đao chuẩn xác như Lý Tầm Hoan, Võ Tòng (Mai Tài Phến) phi thân đấm bay nhiều tên địch cùng lúc, Út Lục Lâm cải trang rồi có nhiều phi vụ y hệt Ethan Hunt của Mission: Impossible. Cái chất chân chất, mộc mạc của Đất Phương Nam là ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm thì lại không xuất hiện ở bản điện ảnh.
Băng Di và Tuấn Trần tỏa sáng
Sau vai diễn điện ảnh đầu tay mờ nhạt trong Lời Nguyền Gia Tộc, Tuấn Trần ngày càng tiến bộ rõ rệt qua từng phim. Trái ngược hẳn với Quắn của Bố Già (2021), Út Lục Lâm trong Đất Rừng Phương Nam lộ rõ sự ranh mãnh, đôi lúc là máu lạnh của một tên trộm thời chiến loạn, sống nay chết mai. Mồ côi từ nhỏ, anh chàng bất cần và coi tình cảm là gánh nặng.
Anh chàng thường xuyên dùng “diễn xuất” của mình để đóng đủ loại vai, từ công tử nhà giàu cho đến cả phu nhân chỉ huy Pháp để kiếm chác. Thế nhưng theo thời gian, Út Lục Lâm dần có sự thay đổi rõ rệt. Anh chàng bắt đầu quan tâm đến An, coi cậu bé như người thân duy nhất của mình và dần hiểu được thời cuộc, chấp nhận hy sinh vì kẻ khác.
Dù là nhân vật chính nhưng An của Hạo Khang lại bị Út Lục Lâm lấn át hoàn toàn. Nhân vật cũng bị thay đổi so với bản gốc khi trở nên thông minh, lém lỉnh. Cách đây 26 năm, An của Hùng Thuận hiền lành, ngây thơ nên luôn được người dân bảo bọc trên đường lưu lạc. Song, An phiên bản mới lại chủ động trêu chọc, đấu khẩu hay “cà khịa” với Út Lục Lâm. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng muốn tạo nên sự khác biệt, cũng như tạo ra cặp bài trùng với Út Lục Lâm. Song, chi tiết không thật sự hay khi An vừa mất mẹ nhưng lại có thể cười đùa với kẻ trộm mới quen. Diễn xuất của Hạo Khang cũng chưa khắc họa được tính cách này của cậu bé.
Một nhân vật khác cũng gây thất vọng là Cò. Trong truyện lẫn bản truyền hình, Cò cùng ông Ba “bắt rắn” là những người cưu mang, cùng An đi chu du qua nhiều tỉnh Miền Tây để tìm cha. Song, với việc vai trò của Út Lục Lâm và ông Tiều được nâng cao, Cò bỗng nhiên chỉ còn là cái tên mờ nhạt. Cậu và An cũng không có nhiều tương tác hay thân thiết được như phiên bản của Hùng Thuận và Phùng Ngọc.
Điểm sáng diễn xuất chính là Tư Mắm của Băng Di. Nếu đã xem qua bản truyền hình, khán giả không lạ gì nhân vật này vốn là mật thám của Pháp. Song, Băng Di có màn thể hiện thuyết phục khiến nhiều người còn cho rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã thay đổi nhân vật. Mãi đến khi sự thật vỡ lẽ, ta mới thấy được một gương mặt khác tàn ác, nhẫn tâm của Tư Mắm, trái ngược hẳn với vẻ ngoài thân thiện, đáng yêu mà “dì Tư” dùng để tiếp cận đám trẻ.
Chấm điểm: 3/5
Nhìn chung, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có tham vọng tạo ra một tác phẩm mới để vượt khỏi cái bóng của phiên bản 1997 đã quá nổi tiếng. Song, anh lại không hiểu được tinh thần của bộ truyện lẫn loạt phim truyền hình và dẫn đến những cải biên lưng chừng, chỉ nhắm vào tính giải trí mà bỏ qua yếu tố cốt lõi.