Đất rừng phương Nam, tác phẩm điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng và Trấn Thành đang là chủ đề nóng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào sáng 8/11.
Một tháng qua, bộ phim cũng chiếm sóng truyền thông và nhận những tranh cãi gay gắt từ khán giả, xoay quanh các tình tiết bị cho là làm sai lệch lịch sử. Đỉnh điểm, Đất rừng phương Nam đối diện làn sóng tẩy chay dẫn đến trượt dốc doanh thu.
Đất rừng phương Nam trượt dốc doanh thu sau những tranh cãi.
Đất rừng phương Nam tiếp tục được bàn luận
Tại phiên chất vấn vào sáng 8/11, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng phát biểu của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng xoay quanh bộ phim Đất rừng phương Nam là chưa thỏa đáng và cần phải nhìn nhận lại.
Cụ thể, đại biểu Trịnh Xuân An nói: “Dư luận thì có dư luận đúng, dư luận sai, có cái tốt, có cái xấu, không phải ý kiến nào được nêu ra cũng là để ‘đánh cho ai đó chết’ mà là để góp ý, nêu quan điểm để làm cho mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn. Do đó, không nên đánh đồng các loại ý kiến, dư luận nhất là những góp ý để bảo vệ tính chân thực, bảo vệ sự thật, bảo vệ giá trị của lịch sử”.
Theo đại biểu, bộ phim có thể hay ở góc độ điện ảnh, nghệ thuật, có thể lấy cảm hứng từ mọi nguồn nhưng với lịch sử, với văn hóa dân tộc thì phải luôn chân thực, trung thực và không được làm méo mó. Và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải làm rõ được đâu là hành vi sai trái để xử lý, đâu là dư luận đúng đắn để tôn vinh.
Đại biểu đoàn Đồng Nai nói đây là những vấn đề chính đáng mà dư luận đặt ra và cơ quan quản lý phải quan tâm để có chính sách phù hợp chứ không phải “chăm chăm đi xử lý”, mà muốn xử lý thì cũng phải theo quy định chứ không thể tùy tiện.
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Về phát biểu của tôi trong phiên thảo luận ngày hôm qua, tôi có nói rằng, nếu có các biểu hiện bôi nhọ và bêu xấu thì phải được nghiêm túc xử lý. Ở đây tôi nói là nếu có, vì chúng ta đã có Luật An ninh mạng, có quy tắc xử lý nêu trong văn bản. Việc ý kiến khen – chê khác nhau là bình thường, nhưng chúng ta không thể chấp nhận thói trịch thượng, phán xét, bôi nhọ, bôi xấu”.
Không chỉ nóng trên nghị trường, một tháng qua, Đất rừng phương Nam cũng là tâm điểm của các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội, diễn đàn. Nội dung của bàn luận xoay quanh một số tình tiết trong phim bị cho là sai lệch lịch sử.
Đối diện với những tranh cãi, chỉ trích, ê-kíp buộc phải bỏ tên Thiên Địa hội – Nghĩa Hòa đoàn khỏi các lời thoại, thay bằng Chính Nghĩa hội – Nam Hòa đoàn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng đứa con tinh thần của anh bị vùi dập, thóa mạ.
Quyền khen – chê của khán giả
Trong xã hội ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, tiếng nói, quan điểm từ cộng đồng đối với một vấn đề, sự việc ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Những sự phản biện càng mạnh mẽ, chứng tỏ sự đi lên của xã hội và tạo điều kiện cho các luồng tư tưởng mới ra đời.
Cái mới ra đời, thay thế cái cũ, đó là quy luật phát triển của xã hội. Ý thức, nhận thức của mỗi người cũng được nâng lên sau những cuộc tranh luận như thế.
Sự xuất hiện của nhóm Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn gây tranh cãi.
Tương tự, một tác phẩm điện ảnh hay sản phẩm giải trí nói chung, sau khi phát hành, chắc chắn phải đối diện với sự khen, chê, bàn luận từ công chúng. Không ai cấm một người bỏ tiền mua vé xem phim, đưa ra góc nhìn, quan điểm của họ về tác phẩm.
Khi phát hiện vấn đề trong một tác phẩm, rõ ràng công chúng, khán giả có quyền lên tiếng miễn là góp ý khách quan, với tinh thần xây dựng, văn minh.
Thực tiễn điện ảnh thế giới cho thấy, bên cạnh giải Oscar cao quý, được trao hàng năm để tôn vinh những thành tựu xuất sắc của cá nhân hoạt động trong ngành điện ảnh, thì còn có giải Mâm Xôi Vàng để trao cho những tác phẩm, các vai diễn và hạng mục khác liên quan đến điện ảnh được coi là dở nhất trong năm của phim Mỹ.
Hơn 4 thập kỷ qua, không ít minh tinh, tài tử của điện ảnh Mỹ từng nhận tượng Oscar cũng nếm trải cảm giác nằm trong đề cử của Mâm Xôi Vàng. Thậm chí có ngôi sao Hollywood cùng lúc ẵm cả giải Oscar lẫn Mâm Xôi Vàng.
Tuy nhiên, hiếm một nghệ sĩ Hollywood nào lên tiếng chỉ trích hay phản ứng, kiện cáo khi họ bị “bêu rếu” ở Mâm Xôi Vàng. Năm 2001, diễn viên Tom Green bị trao 5 giải Mâm Xôi Vàng cho bộ phim Freddy Got Fingered nhưng ông không từ chối cũng không phản ứng mà đồng ý nhận cả 5 giải. Khi đến lễ trao giải, Tom Green còn mang theo cả thảm đỏ và có bài phát biểu dài, đầy hài hước trên sân khấu.
“Khi làm bộ phim này, chúng tôi đặt mục tiêu chính là giải Mâm Xôi Vàng, vậy là giấc mơ của tôi đã trở thành sự thật”, Tom Green phát biểu.
Trở lại với điện ảnh Việt, nếu có giải Mâm Xôi Vàng, chắc chắn không ít tác phẩm điện ảnh, diễn viên sẽ được trao giải bởi chất lượng thảm họa trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi thua phim lỗ, đạo diễn trong nước thường sẽ đổ lỗi cho khán giả, nhà rạp hay thậm chí là cả thời tiết. Những ý kiến, phản biện từ truyền thông, khán giả sẽ bị giới làm phim đánh đồng là thóa mạ, trù dập tác phẩm.
Trách nhiệm của một người sáng tạo các sản phẩm giải trí không chỉ là để thỏa mãn cái tôi của họ, mà hơn hết là nâng cao đạo đức, thẩm mỹ và gắn liền với sự phát triển của xã hội. Tuyệt đối hóa vai trò giải trí của điện ảnh chính là quan điểm cực đoan, cần loại bỏ. Nếu một bộ phim bị khán giả phản ứng, quay lưng dẫn đến thái độ tẩy chay, rõ ràng nhà làm phim nên tự nhìn nhận lại mình.
Cuối cùng, đúng như đại biểu Trịnh Xuân An nói, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là lắng nghe, theo dõi để có điều chỉnh cần thiết. Và không phải ý kiến nào được nêu ra cũng là để ‘đánh cho ai đó chết’ mà là để góp ý, nêu quan điểm để làm cho mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn.