Trong đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10 vừa qua, các nghệ sĩ như: Chí Trung, Đỗ Kỷ, Quang Tèo,… đã trượt danh hiệu NSND.
Theo nguồn tin của Dân Trí, nghệ sĩ Chí Trung bị trượt danh hiệu NSND do thiếu huy chương. Mặc dù Hội đồng cấp chuyên ngành và Hội đồng cấp Nhà nước đã thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu của Chí Trung nhưng khi lên cấp trên thì lại không đạt.
Trước đó, Chí Trung từng 2 lần trượt danh hiệu này. Năm 2015, NSƯT Chí Trung trượt danh hiệu NSND ngay từ Hội đồng cấp Bộ. Sau khi có kết quả, ông tỏ ra khó hiểu trước các tiêu chí xét duyệt.
“Liệu có phải tiêu chí xét tuyển danh hiệu NSND đang khá mù mờ, rắc rối và chưa công tâm? Bởi thực tế có những người không giành huy chương vàng nào vẫn đạt danh hiệu này. Có nhiều nghệ sĩ được phong tặng mà công chúng không biết họ là ai”, Chí Trung từng chia sẻ.
Nghệ sĩ Chí Trung bị trượt danh hiệu NSND trong lần xét duyệt mới đây (Ảnh: Toàn Vũ).
Năm 2018, Chí Trung lại tiếp tục vắng mặt trong danh sách xét tặng NSND. Tại thời điểm đó, ông đang là quyền Giám đốc của Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL nên việc xét tặng danh hiệu phải do Nhà hát đề nghị lên Hội đồng cấp Bộ. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền không nhận được hồ sơ của nghệ sĩ Chí Trung.
Cũng ở lần xét duyệt lần thứ 10, NSƯT Quang Tèo bị trượt danh hiệu NSND do thiếu một phiếu bầu. Ông nói, bất cứ người nghệ sĩ nào làm trong lĩnh vực nghệ thuật đều mong muốn đạt được danh hiệu cao quý nhất là NSND, đó là dấu mốc để phấn đấu.
“Mình bảo đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND nhưng sẽ có nhiều người thừa tiêu chuẩn hơn, họ được phong tặng trước, còn mình… chưa được, để dịp sau thôi”, ông cho hay.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ Đỗ Kỷ trượt danh hiệu NSND do có đơn thư khiếu nại. Ông đã làm đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng để làm rõ những thắc mắc của mình. Diễn biến mới nhất là Ban tuyên giáo Trung ương đã nhận được đơn của ông và chuyển tới Bộ VH-TT&DL để giải quyết vụ việc.
Trong 10 lần xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND, có nghệ sĩ gây tranh cãi vì được xét tặng danh hiệu khi còn quá trẻ, tên tuổi không nổi bật, “lên Nghệ sĩ nhân dân mà không ai biết là ai”. Lại có nghệ sĩ “vật vã” suốt nhiều năm ròng với đủ các thủ tục cứng nhắc, số lượng huy chương, hồ sơ bị “gạt lên gạt xuống” do thiếu phiếu bình chọn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, danh hiệu NSƯT, NSND rất danh giá đối với các nghệ sĩ, thể hiện sự tôn vinh của Nhà nước đối với những cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật cách mạng, đồng thời cũng là niềm tự hào của từng nghệ sĩ.
“Tuy nhiên, qua 10 mùa xét tặng, dù có nhiều sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thi đua khen thưởng, chúng ta thấy có nhiều vấn đề bất cập vẫn đang xảy ra, khiến cho việc phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND chưa đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước cũng như của nhân dân và đặc biệt là các nghệ sĩ.
Một số nghệ sĩ được biết đến rộng rãi nhưng không được phong tặng. Một số nghệ sĩ được phong tặng lại chưa nhận được sự đồng tình cao. Cơ chế xin cho trong xét duyệt hồ sơ. Thành tích ảo từ những cuộc thi chủ yếu dành để trao huy chương phục vụ xét tặng danh hiệu.
Rồi những đơn thư kiện cáo liên quan. Tất cả ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ, cũng như sự phát triển của cả nền nghệ thuật”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn viện dẫn lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) Phạm Quang Nghị viết trong hồi ký Đi Tìm Một Vì Sao.
Sách viết rằng: “Qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp hội đồng, nhưng kết quả không bao giờ cũng là khách quan, kịp thời, đúng đắn”. Hay: “Tôi luôn có cảm giác buồn và áy náy mỗi khi nhận được những lá đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo việc này việc kia sau mỗi lần xét tặng”.
“Đó cũng là những vấn đề liên quan đến xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND hiện nay”, ông Sơn nói.
Khi phóng viên hỏi: Theo tiêu chí xét duyệt NSƯT, NSND hiện nay, ngoài việc nghệ sĩ có huy chương, thâm niên, nhưng vẫn bị loại khỏi quá trình xét duyệt đơn giản vì… không đủ 80% phiếu bầu, theo ông việc này liệu có cảm tính, có cơ chế “xin-cho” không?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, thực ra rất nhiều cuộc thi, xét duyệt danh hiệu mang tính cảm tính chứ không riêng gì việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Ông Sơn chia sẻ, khi đã là con người thì việc cảm xúc chen lấn vào công việc cũng dễ hiểu. Điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho sự công tâm, công bằng được thể hiện ở mức độ cao nhất. Muốn như vậy thì các quy định phải thực sự rõ ràng, tránh tình trạng hiểu hai nghĩa khác nhau.
“Thêm vào đó, việc lựa chọn người tham gia xét duyệt cũng phải thể hiện được các nguyên tắc đó. Tôi từng là người trong cuộc, tham gia vào một số hội đồng xét tặng danh hiệu, nên tôi cho rằng Bộ VH-TT&DL đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Những hồ sơ có vấn đề luôn được thảo luận kỹ lưỡng để có sự nhất trí cao trong hội đồng.
Nhưng đúng là do chúng ta còn có những quy định chưa rõ ràng, thậm chí có những vấn đề không được thể hiện trong văn bản, ảnh hưởng đến quyết định của người bỏ phiếu, ảnh hưởng đến kết quả xét tặng danh hiệu”, ông Sơn nói về những bất cập trong việc xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND.
Một Nghệ sĩ nhân dân từng ngồi ở Hội đồng xét duyệt Nhà nước cho biết, việc đánh giá về tài năng của các nghệ sĩ mang tính chất định tính (huy chương, thâm niên). Trong khi đó, việc cảm nhận của thành viên hội đồng xét duyệt đối với mỗi một nghệ sĩ cũng rất quan trọng.
Theo NSND này, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ với công chúng như thế nào, họ nổi tiếng ra sao… không đánh giá bằng số liệu được mà bằng nhận định của những thành viên Hội đồng xét duyệt.
“Trong Hội đồng xét duyệt có các chuyên gia của từng lĩnh vực. Hội đồng có 15 thành viên thì 2/3 là các chuyên gia, chỉ còn 1/3 là các thành phần cứng ở trong các đơn vị quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến các chuyên ngành, tỉ lệ này tôi cho là hợp lý.
Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của Hội đồng xét tuyển theo nhiều cấp. Chính vì sự khắt khe này, khó có chuyện ‘chạy’ hồ sơ”, nghệ sĩ này thẳng thắn.
Nghệ sĩ Quang Tèo bị trượt danh hiệu NSND do thiếu một phiếu bầu chọn (Ảnh: Hữu Nghị).
Nói về gợi ý có cần bổ sung tiêu chí “sự lan tỏa hình ảnh” cho các nghệ sĩ xét duyệt danh hiệu không?, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, danh hiệu NSND, NSƯT là dành cho cống hiến của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đối với nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng. Như vậy, không phải cứ là nghệ sĩ nổi tiếng, được công chúng biết đến rộng rãi thì đương nhiên là NSƯT, NSND.
Tuy vậy, ông cũng đồng ý rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, phải được công chúng biết đến thông qua tác phẩm, tài năng nghệ thuật của mình, tác phẩm đóng góp cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cách mạng thì cũng cần phải đến được với công chúng.
“Tôi nghĩ, dù việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã qua nhiều vòng, với nhiều bước đánh giá, nhưng việc có thêm một tiêu chí về sự công nhận, đánh giá của công chúng đối với các nghệ sĩ cũng là một ý tưởng thú vị, có thể tham khảo và áp dụng”, ông bày tỏ quan điểm của mình.
Một chuyên gia nghiên cứu văn hóa cũng chia sẻ: “Danh hiệu NSƯT, NSND là danh xưng cao quý mà bất cứ ai làm nghệ thuật cũng muốn nhận. Các nghệ sĩ mong rằng, hồ sơ được xét duyệt công bằng, minh bạch. Không có chuyện ‘san bằng cào phẳng’, ai giỏi thì được tôn vinh, ai chưa giỏi thì phải phấn đấu tiếp”.
Theo Dân Trí