Ai cũng bị đổ lỗi
Cái chết đột ngột của Lee Sun Kyun là tin tức chấn động nhất ngày 27/12 không chỉ ở Hàn Quốc mà trên toàn thế giới. Ngoài những lời bày tỏ sự bàng hoàng, tiếc thương hay tưởng nhớ tài tử quá cố, làn sóng đổ lỗi bùng nổ mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người đặt ra câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm cho quyết định tự kết liễu đời mình của ngôi sao Ký Sinh Trùng.
Lee Sun Kyun qua đời ở tuổi 48 vào ngày 27/12.
Đối tượng đầu tiên bị nhắm đến là cộng đồng mạng. Nhiều bình luận trên các diễn đàn trực tuyến cho rằng những lời công kích, mắng chửi và quấy rối Lee Sun Kyun và gia đình anh dồn nam diễn viên 7X vào đường cùng.
Một số nghệ sĩ đăng trạng thái chia buồn trên trang cá nhân cũng không quên lên án sự ác ý của dư luận.
Ca sĩ Yuri, thành viên nhóm nhạc Kpop thế hệ đầu tiên Cool, viết: “Hãy yên nghỉ nhé Lee Sun Kyun. Tôi buồn quá. Điều này càng khiến tôi sợ mọi người hơn. Anh ấy là con người giống chúng ta. Sai lầm của anh ấy có đáng phải trả giá bằng mạng sống không? Điều này thật đau lòng và bi thảm. Tôi gửi lời cầu nguyện đến gia đình anh ấy”.
Trong khi đó, nam diễn viên Lee Ji Hoon bất bình khi Lee Sun Kyun bị phán xét dù chưa có kết luận điều tra cuối cùng.
“Đối với những người hay phán xét người khác, bạn có thể nhìn mình trong gương mà không thấy xấu hổ về cuộc đời của mình không?”, Lee Ji Hoon chỉ trích dân mạng trong bài đăng đã bị xóa.
Tương tự, ca sĩ Kim Song cho rằng dư luận và xã hội đẩy con người vào chỗ chết. Theo cô, hiệu ứng đám đông mang đến tác động tiêu cực, trong khi đã là con người không tránh được việc mang sai lầm.
Một bộ phận không nhỏ lại công kích Sở Cảnh sát Seoul, nơi điều tra vụ bê bối sử dụng ma túy của Lee Sun Kyun. Nhiều người bức xúc trước thông tin nam diễn viên bị thẩm vấn suốt 19 giờ vào ngày 26/12. Họ nghi ngờ nhà chức trách đã dùng các thủ đoạn trái pháp luật để gây sức ép với Lee Sun Kyun khiến anh không chịu nổi áp lực mà quyết định tự tử bằng than tổ ong.
Trước áp lực của dư luận, đại diện cảnh sát lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên XSports News: “Chúng tôi không sử dụng biện pháp thẩm vấn nào trái pháp luật. Lee Sun Kyun luôn đi cùng hai luật sư trong ba lần triệu tập thẩm vấn. Mọi buổi thẩm vấn đều diễn ra khi có sự đồng ý của Lee Sun Kyun”.
Bất chấp lời giải thích, cư dân mạng vẫn chỉ trích cảnh sát với lập luận các nhà điều tra tin tưởng vào lời khai của nữ quản lý quán bar được cho là nhân tình của Lee Sun Kyun dù kết quả xét nghiệm nam diễn viên cho ra kết quả âm tính với ma túy.
Bên cạnh đó, khán giả cũng đánh giá một phần lỗi thuộc về giới truyền thông. Theo một số ý kiến, truyền thông không làm đúng nhiệm vụ cung cấp thông tin đa chiều, chính xác, thay vào đó khai thác quá mức và đi sâu vào những vấn đề không liên quan về Lee Sun Kyun và gia đình anh khiến những người trong cuộc luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.
Không ít cư dân mạng cho rằng nguồn cơn mọi bất hạnh của Lee Sun Kyun là nữ quản lý quán bar, Madam Kim – người tố cáo nam diễn viên sử dụng ma tuý.
Số khác lại tràn vào tài khoản YouTube từng công khai đoạn ghi âm riêng tư giữa Lee Sun Kyun và Madam Kim, trong đó có thảo luận về việc nam diễn viên dùng chất cấm, để chỉ trích chủ kênh sản xuất ra chương trình độc hại, gián tiếp gây ra cái chết thương tâm.
Chủ kênh YouTube công khai đoạn ghi âm giữa Lee Sun Kyun và Madam Kim bị cư dân mạng công kích sau cái chết của nam diễn viên.
Làn sóng đổ lỗi không chỉ dừng lại ở những tác động bên ngoài, ngay cả Lee Sun Kyun dù đã qua đời cũng không tránh bị réo tên. Một bộ phận cư dân mạng gọi anh là kẻ vô trách nhiệm, tìm đến cái chết như sự giải thoát, trong khi để lại gánh nặng cho vợ con.
“Tôi hiểu anh ta chịu rất nhiều áp lực và căng thẳng nhưng hãy nghĩ về gia đình của anh ta. Bây giờ anh ta đang đặt tất cả gánh nặng từ những lựa chọn của mình lên gia đình trong khi lỗi là của anh ta chứ không phải họ. Công chúng sẽ tha thứ cho anh. Vợ vẫn ở bên anh. Ngay cả khi sự nghiệp kết thúc, anh vẫn có thể cống hiến cuộc đời mình cho gia đình.
Tuy nhiên, thay vì cùng nhau đối mặt, anh khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn. Tất cả lựa chọn dẫn đến cái chết của anh ta đều ích kỷ và vô trách nhiệm cho đến phút cuối cùng. Tôi không thể không cảm thấy thất vọng trước kiểu đàn ông như anh ta”, một người dùng mạng viết.
Sự tráo trở của cư dân mạng
Trong lúc các cuộc thảo luận về sự ra đi đột ngột của Lee Sun Kyun chưa có dấu hiệu kết thúc và chưa tìm ra người chịu trách nhiệm cuối cùng, hãy quay lại thời điểm một ngày trước khi bi kịch xảy ra để thấy thái độ khác biệt của cư dân mạng dành cho nam diễn viên.
Trong lần triệu tập gần nhất, Lee Sun Kyun một lần nữa phủ nhận cáo buộc sử dụng ma túy. Anh tuyên bố không hề có chuyện hít Ketamine ở dạng bột qua ống hút như lời Madam Kim tố.
“Tôi đã dùng ống hút đưa nó qua mũi nhưng tôi tưởng đó là thuốc ngủ. Tôi không biết rằng chúng là ma túy”, anh nói.
Sau khi truyền thông đưa tin, cư dân mạng công khai chế giễu ảnh đế 7X trên các diễn đàn trực tuyến vì lời khai vụng về, không đáng tin. Họ đặt cho anh biệt danh mới là “Mister Elephant” (tạm dịch: Ngài voi) dựa theo tên bộ phim My Mister mà anh từng đóng chính.
Vào cuối tháng 11, KBS News tung hai đoạn ghi âm cuộc gọi giữa Lee Sun Kyun và Madam Kim. Một trong số đó có giọng nam diễn viên thổ lộ tình cảm với người tình, đoạn còn lại thảo luận về việc dùng ma túy.
Thời điểm đó, công chúng chỉ trích Lee Sun Kyun thậm tệ, dùng từ “kinh tởm” để mô tả anh, đồng thời cho rằng nam nghệ sĩ “tiêu rồi”.
Chưa bàn đến việc Lee Sun Kyun sai hay đúng bởi đó thuộc về thẩm quyền của nhà chức trách, điều đáng lưu tâm ở đây là cách hành xử của cư dân mạng. Họ đối xử với Lee Sun Kyun trước và sau khi chết gần như trái ngược hoàn toàn.
Suốt ba tháng bị điều tra ma túy, nam diễn viên hứng chịu nhiều lời lẽ ác ý từ cộng đồng mạng. Tuy nhiên, kể từ khi anh tự kết liễu đời mình, dư luận đảo chiều, quay sang tiếc thương, tìm cách đổ lỗi cho người khác, thậm chí kêu gọi cộng đồng bao dung và hỗ trợ những người nổi tiếng lầm lỡ như thể chưa từng có những phát ngôn châm chọc trước đó.
Những người giữ vững quan điểm trước đó hay lên án hành vi tự tử của tài tử họ Lee lại trở thành “vô cảm”, “bệnh hoạn”…
Tình huống này giống hệt ồn ào của G-Dragon trước đó. Lúc thủ lĩnh Big Bang bị kéo vào cuộc điều tra ma túy, cư dân mạng kêu gọi tẩy chay anh, tấn công anh bằng những ngôn từ tệ hại.
Đến khi nam ca sĩ liên tục nhận kết quả xét nghiệm âm tính với ma túy, phần đông lại xúm vào xin lỗi vì không tin tưởng thần tượng, rồi quay sang chỉ trích cảnh sát và truyền thông, mà không cần biết những gì họ làm trước đó có gây tổn thương cho đối phương không.
“Ông hoàng Kpop” G-Dragon cũng có thời gian điêu đứng vì bị cư dân mạng nhắm đến.
Một sự thật hiển nhiên là những người theo đuổi sự nghiệp giải trí, một khi hưởng lợi ích về mặt vật chất và tinh thần từ người hâm mộ, đồng thời cũng phải chịu sự phán xét, soi mói từ công chúng. Họ hưởng vinh quang không ai sánh bằng, cũng phải chịu áp lực gấp nhiều lần người bình thường.
Tuy nhiên, thật không may dư luận lại dễ bị “dắt mũi”. Phần lớn cư dân mạng thay đổi phản ứng theo từng diễn biến thông tin. Một khi ồn ào nổi lên, chưa cần biết đúng sai đã phê phán, mắng chửi. Đến khi sự thật được làm rõ hay hậu quả tồi tệ xảy ra, họ nhanh như chớp mắt chuyển qua thái độ khác hoặc đổ lỗi cho một bên thứ ba nào đó. Ở môi trường khắc nghiệt như showbiz Hàn Quốc, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.
Lee Sun Kyun vướng vào rắc rối pháp luật không tránh được việc bị chỉ trích, tuy nhiên, có những trường hợp không làm gì sai như chuyện Jennie (BlackPink) hẹn hò V (BTS) vào đầu năm cũng gây ra “khẩu chiến” giữa Blink và Army trong thời gian dài.
Một ví dụ khác là Song Hye Kyo. Thời điểm mới ly hôn Song Joong Ki vào năm 2019, người đẹp The Glory nhận vô số lời khó nghe do nghi vấn ngoại tình dù không có bằng chứng nào cho cáo buộc đó. Mãi đến năm nay, cùng với việc tài tử sinh năm 1985 công khai vợ Tây và có con, công chúng chuyển qua bênh vực Song Hye Kyo và tẩy chay chồng cũ của cô.
Trở lại năm 2008, Choi Jin Sil là nạn nhân của bạo lực mạng. Cô bị đồn là cho Ahn Jae Hwan vay nặng lãi, dẫn đến cái chết của nam diễn viên. Hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt từ những người không hề biết mặt, cô tìm đến cái chết vào ngày 2/10/2008. Cùng với việc cảnh sát bắt giữ nhân viên công ty an ninh đứng sau lời buộc tội vô căn cứ, cư dân mạng bắt đầu màn “khóc thuê”.
Giống như ca sĩ Kim Song viết trong bài đăng tưởng nhớ Lee Sun Kyun, hiệu ứng đám đông thực sự đáng sợ. Nó dồn con người vào chỗ chết một cách tuyệt vọng. Trong khi đó, lòng nhân ái và sự cảm thông ngày một ít đi trong xã hội hiện đại.
Theo Tiền Phong