Bảo tháp Boudhanath ở Nepal là bảo tháp hình cầu lớn nhất thế giới được xây dựng theo cấu trúc của một mạn đà la. Bảo tháp được bao quanh bởi các khu dân cư từ khắp nơi.
Ẩn mình khỏi khói bụi và sự nhộn nhịp của thủ đô Kathmandu (Nepal), bảo tháp Boudhanath ở vùng ngoại ô phía đông bắc của thành phố là biểu tượng cho tâm linh, văn hóa và di sản của đất nước. Còn được gọi là Boudha, đây là một trong những địa điểm Phật giáo Tây Tạng lớn nhất và linh thiêng nhất bên ngoài Tây Tạng, thu hút khách hành hương, khách du lịch và Phật tử từ nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1979, bảo tháp Boudhanath được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Với vô số tu viện bao quanh, Boudhanath là trung tâm của Phật giáo Tây Tạng ở Nepal. Bảo tháp từng nằm trên tuyến đường thương mại cổ xưa đến Tây Tạng và chính tại đây, các thương nhân Tây Tạng đã nghỉ ngơi và cầu nguyện trong nhiều thế kỷ.
Toàn cảnh bảo tháp Boudhanath vào buổi tối.
Trận động đất vào tháng 4 năm 2015 làm hư hại nặng nề bảo tháp. Việc xây dựng lại bắt đầu vào ngày 3 tháng 11 năm 2015, do Ủy ban Phát triển Khu vực Boudhanath chịu trách nhiệm, bên cạnh kinh phí được quyên góp bởi các nhóm Phật tử và tình nguyện viên. Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal đã chính thức khánh thành bảo tháp mới được xây dựng vào ngày 22 tháng 11 năm 2016.
Theo các nhà sử học, Boudhanath được xây dựng bởi vua Licchavi của Nepal là Sivadeva (590 – 604 CN), nhưng các biên niên sử khác của Nepal cho rằng nó được xây dưới thời trị vì của Vua Manadeva (464 – 505 CN), thời đại mà ảnh hưởng của Phật giáo bắt đầu bén rễ ở thung lũng Kathmandu. Người ta cũng tin rằng Boudhanath được xây dựng ngay sau khi Đức Phật qua đời.
Kiến trúc mang tính biểu tượng
Là một cấu trúc hình cầu đứng ở độ cao 36 mét và có đường kính 120 mét, bảo tháp Boudhanath có hình dạng giống như một mạn đà la, một cấu trúc hình học đại diện cho vũ trụ trong biểu tượng của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Boudhanath cũng giàu tính biểu tượng vì mọi phần của bảo tháp đều mang ý nghĩa nhất định:
- Cấu trúc mạn đà la: Tượng trưng cho lời nhắc nhở về con đường hướng tới giác ngộ của Đức Phật
- Nền tháp với 3 bậc thềm: Đại diện cho Trái đất, và cũng tượng trưng cho tam bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phần nền của Boudhanath được trang trí bằng 108 hình ảnh Phật A Di Dà, tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục mà con người phải vượt qua để đạt được giác ngộ. Bảo tháp cũng được bao quanh bởi một bức tường gạch với 147 hốc tường, mỗi hốc đều có tượng Phật và khắc các câu thần chú.
- Mái vòm: Biểu tượng của vũ trụ hay bình báu (treasure vase). Bình báu là một trong tám biểu tượng may mắn trong Phật giáo Đại thừa, còn gọi là “cát tường bát bảo”.
- Tháp vuông (harmika): Tượng trưng cho Bát Chánh Đạo – con đường chân chính chia làm tám chi, là giáo lý căn bản được nhắc đến trong Đạo đế (một trong bốn chân lý của Tứ Diệu đế). Bát Chánh Đạo gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
- Mũi: Tượng trưng cho Niết bàn. Nó cũng được cho là đại diện cho số 1 trong ký tự Nepal, tượng trưng cho sự thống nhất và con đường duy nhất để đạt được giác ngộ.
Bảo tháp Boudhanath có hình dạng giống như một mạn đà la.
- Mắt: Bốn cặp mắt khổng lồ nhìn ra bốn phía của tháp chính là mắt của Đức Phật và chúng tượng trưng cho trí tuệ, cho khả năng nhìn thấy tất cả của Đức Phật.
- 13 bậc tháp: Có 13 giai đoạn mà con người cần phải vượt qua để đạt được giác ngộ và 13 bậc tháp là biểu tượng của những giai đoạn đó. Hình dạng chung tạo thành 13 bậc tháp là hình tam giác, tượng trưng cho lửa.
- Hoa sen: Tượng trưng cho sự phát triển bản thân, giác ngộ và thanh khiết vì nó sống trong bùn, mọc lên từ nước bẩn nhưng vẫn đẹp. Hoa sen đại diện cho những bậc giác ngộ như chính Đức Phật và Bồ Tát.
Đỉnh của bảo tháp mang biểu tượng của núi Tu Di, được mệnh danh là vua của các ngọn núi.
- Cờ: Những lá cờ tung bay trong gió được cho rằng mang theo những câu thần chú và những lời cầu nguyện. Cờ có 5 màu với các ý nghĩa riêng: màu trắng (tượng trưng cho sự thuần khiết, nguyên thủy), màu xanh là (tượng trưng cho hòa bình, bảo vệ khỏi bị tổn hại), màu vàng (tượng trưng cho vẻ đẹp, sự giàu có), màu xanh dương (tượng trưng cho tri thức, thức tỉnh/giác ngộ) và màu đỏ (tượng trưng cho tình yêu, lòng trắc ẩn).
- Ô: Được coi là vật hộ mệnh của tam bảo. Ngay phía trên chiếc ô là một mái che được cho là tượng trưng cho không khí.
- Đỉnh tháp: Là biểu tượng của núi Tu Di, tên của một ngọn núi trong truyền thuyết thần thoại cổ Ấn Độ, còn gọi là Tu Di Lâu. Theo quan niệm Phật giáo, núi Tu Di là vua của các ngọn núi, là trung tâm của thế giới, là vũ trụ quan của Phật giáo.
Ý nghĩa tâm linh và văn hóa
Năm 1979, bảo tháp Boudhanath được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Bảo tháp Boudhanath có ý nghĩa như một địa danh văn hóa và tâm linh ở Nepal. Đối với hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới, đây là một địa điểm hành hương phổ biến, nơi có thể kết nối với những lời dạy của Đức Phật, thiền định, trì tụng thần chú hoặc ngẫm về cuộc sống.
Bảo tháp Boudhanath cũng đóng vai trò như một lời nhắc nhở về khái niệm vô thường của Phật giáo. Nó trải qua nhiều lần tái xây dựng và cải tạo trong nhiều thế kỷ, cũng như đã bị hư hại nghiêm trọng trong trận động đất năm 2015. Bất chấp những thay đổi này, bảo tháp vẫn là biểu tượng mạnh mẽ của Phật giáo và là minh chứng cho sự vô thường của vạn vật.
Boudhanath trở nên sống động trong các lễ hội Phật giáo với Losar (Năm mới của người Tây Tạng) và Buddha Jayanti (Lễ Phật Đản) là những lễ kỷ niệm quan trọng nhất. Trong những dịp này, bảo tháp được trang trí bằng những lá cờ cầu nguyện đầy màu sắc và đèn chiếu sáng xung quanh. Các nhà sư và Phật tử tập trung để tụng kinh và thực hiện các nghi lễ, tạo ra một bầu không khí hân hoan và tinh thần thiêng liêng.
Không dừng lại ở đó, Boudhanath còn là một công trình kiến trúc tráng lệ, được coi là một kiệt tác của kiến trúc Phật giáo. Ảnh hưởng của bảo tháp vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, và đóng vai trò như một trung tâm xã hội sôi động, nơi mọi người đến gặp nhau để cầu nguyện, thiền định và tương tác. Khu chợ nhộn nhịp xung quanh bảo tháp thúc đẩy ý thức cộng đồng, thu hút cả khách du lịch và người dân địa phương, tạo ra sự pha trộn hài hòa giữa các nền văn hóa và truyền thống.
Đối với Nepal, bảo tháp Boudhanath sừng sững như một báu vật văn hóa, một minh chứng cho các giá trị và di sản có nguồn gốc sâu xa của đất nước. Bảo tháp là một nơi có ý nghĩa tâm linh to lớn, và nó là biểu tượng của hòa bình, hòa hợp và thống nhất. Không có gì ngạc nhiên khi Boudhanath được coi là một trong những địa điểm văn hóa quan trọng nhất trên thế giới.