Nhật Bản có những đền thờ yokai, hay còn gọi là ma quỷ, đầy bí ẩn, một trong những nơi đó là đảo Shodoshima.
Hầu hết học sinh Nhật Bản đều biết đến kappa – một sinh vật lai giữa ếch và rùa với cái đầu lõm, có thể kéo người xuống sông chết đuối. Ngoài ra còn có tengu – quái vật có khuôn mặt đỏ tươi và chiếc mũi dài, thường ẩn nấp trong rừng – và tanuki – biến thể siêu nhiên của loài chó gấu trúc, được cho là có năng lực khiến một người trở nên ngớ ngẩn.
Tất cả đó là những yokai – hay ma quỷ trong văn hóa dân gian truyền thống Nhật Bản. Những sinh vật này từng được dùng để giải thích cho những hiện tượng bí ẩn trong đêm, chẳng hạn như tiếng động lạ, việc nhà cửa thiếu thức ăn hay mưa gió làm hư hỏng tài sản. Giờ đây, như một di sản văn hóa, yokai có mặt khắp nơi trong truyện cổ tích, phim hoạt hình, quảng cáo, truyền hình và điện ảnh.
Ở Shodoshima, dễ dàng gặp những sinh vật thần thoại lẩn trốn đâu đó trên khắp hòn đảo. (Ảnh: James Whitlow Delano/ The New York Times)
Tuy nhiên, điều khiến yokai thực sự đặc biệt là những câu chuyện này không bị đóng băng trong truyền thuyết cổ điển hoặc bị giới hạn trong một danh sách hẹp các nhân vật quen thuộc của văn hoá Nhật Bản. Thay vào đó, mỗi thế hệ lại sáng tạo ra những yokai mới, hướng đến phản ánh sự lo lắng vô thức tập thể về những vấn đề ngày nay.
“Hòn đảo yêu tinh”
Đền thờ các sinh vật này là bằng chứng rõ ràng trên Shodoshima, một hòn đảo nhỏ ở Nhật Bản. Tại đây, cư dân thường tổ chức các cuộc thi nghệ thuật và mời những người tham gia thỏa sức tưởng tượng tạo ra yêu quái mới cho ngày nay.
Một trong những tác phẩm chiến thắng trong cuộc thi được tổ chức vào tháng trước, là một sinh vật có bộ lông màu xanh lam với những trái tim màu đỏ tươi phát sáng trong hốc mắt. Người tạo ra nó, Rika Nakamichi, cho biết hình ảnh thể hiện nỗi ám ảnh thu hút sự chú ý và chấp nhận trên mạng xã hội.
Một tác phẩm khác hiện được lưu trữ trong bảo tàng trên đảo, là đôi giày cao gót tua tủa những hàng gai nhìn giống như răng. “Sinh vật” này gợi lại một chiến dịch gần đây nhằm kêu gọi các ông chủ Nhật ngừng yêu cầu công nhân nữ đi giày cao gót. Một yêu quái khác là một con thằn lằn với chiếc lưỡi dài liếm mặt người đi tàu điện ngầm vì mải mê xem điện thoại di động.
Một hình vẽ yêu quái do Chubei Yagyu, nghệ sĩ địa phương tạo ra, trên tường của Bảo tàng Nghệ thuật Yêu quái, nơi có hơn 900 mô tả về các sinh vật kỳ bí. (Ảnh: James Whitlow Delano/ The New York Times)
Kazuhiko Komatsu, giáo sư danh dự về nhân chủng học văn hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nghiên cứu Nhật Bản ở Kyoto, tác giả của cuốn “Giới thiệu về Văn hóa Yêu quái” cho biết: “Mọi thứ đều có thể trở thành yêu quái, kể cả những thứ mà chúng ta chưa biết có tồn tại hay không”.
Các nghệ sĩ chuyên nghiệp và những người có sở thích từ khắp Nhật Bản đã gửi 75 tác phẩm điêu khắc ma quái và vui nhộn đến cuộc thi năm nay, giảm so với 243 tác phẩm dự thi vào năm 2013, năm đầu tiên của cuộc thi.
Cùng với quái vật “thích” màu xanh lam, trong số các tác phẩm vào vòng chung kết còn có một yêu quái màu xanh lá cây ốm yếu sẽ xâm nhập vào miệng bạn nếu bạn không đánh răng. Một yêu quái trông giống như một con lợn đất phủ đầy chữ kanji, chữ tượng hình sử dụng trong văn bản tiếng Nhật, thể hiện nỗi sợ hãi của nghệ sĩ rằng những ký tự này có thể biến mất khỏi nền văn hóa nơi mọi người gõ theo phiên âm trên điện thoại thông minh.
Chubei Yagyu, 46 tuổi, một nghệ sĩ địa phương và giám khảo cuộc thi, cho biết: “Các nghệ sĩ khác nhau có những quy tắc riêng về những gì họ nghĩ là yokai. Tạo ra yêu quái mới là điều tuyệt vời nhất trong cuộc thi này”.
Niềm tin vật linh
Các học giả truy tìm nguồn gốc của yokai trong các tài liệu tham khảo về văn học hoặc nghệ thuật ngay từ thế kỷ 11. Ngoài việc đưa ra lời giải thích cho các sự kiện kỳ lạ, yokai có thể được coi là những vật thể có sự sống, phù hợp với niềm tin vật linh ban đầu của Nhật Bản.
(Ảnh: James Whitlow Delano/ The New York Times)
“Người Nhật cảm thấy nhẹ nhõm khi bạn đặt tên cho một thứ gì đó”, Mitsuo Takeda, giám khảo của cuộc thi Shodoshima và là nghệ sĩ đã thiết kế một tác phẩm sắp đặt lớn có yêu quái mắt bọ nói. “Nếu bạn đang nhổ cỏ và bị đứt tay, bạn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra” anh nói, “nhưng nếu bạn nghĩ, ồ, đó chỉ là một con yêu tinh thôi, thì bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn”.
Một học giả và nghệ sĩ nổi tiếng thế kỷ 18 tên là Toriyama Sekien đã biên soạn bộ bách khoa toàn thư về các sinh vật được vẽ ra từ trí tưởng tượng của mình.
Trong thời kỳ hiện đại, bộ truyện “Ge Ge Ge no Kitaro” của họa sĩ truyện tranh Shigeru Mizuki đã tạo ra một thế giới các nhân vật yêu quái mới truyền cảm hứng cho các thế hệ họa sĩ truyện tranh yêu quái và người hâm mộ tiếp theo.
Văn hóa đại chúng Nhật Bản đến nay tràn ngập hậu duệ của yêu quái thời kỳ đầu, bao gồm các nhân vật trong vũ trụ Pokémon và những sinh vật ma quái trong trí tưởng tượng của Hayao Miyazaki, chẳng hạn như Totoro hoặc các nữ thần nhà tắm trong tác phẩm Ghibli nổi tiếng “Spirited Away”. Gần đây hơn, ảnh hưởng của yokai có thể được nhìn thấy trong những con quái vật của “Demon Slayer”.
Nhìn kỹ thì cây bách xù 1.600 năm tuổi ở Shodoshima này có thể trông giống như một con rồng phun lửa. (Ảnh: James Whitlow Delano/The New York Times)
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, người ta cho rằng yêu quái sống hoà lẫn giữa loài người dưới nhiều hình thức khác nhau.
Các bài dự thi từ các cuộc thi.