Mông Cổ, một vùng đất có thảo nguyên rộng lớn và truyền thống du mục, nắm giữ trong biên giới của mình một kho tàng kỳ quan lịch sử. Được biết đến là cố đô của Đế chế Mông Cổ và quê hương của Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng thế giới, Karakorum (hay Khách Lạt Côn Lôn) nhanh chóng trở thành một trong những điểm gặp gỡ quan trọng và phát triển nhất của Con đường tơ lụa.
Thành phố cổ mang giá trị lịch sử
Nằm ở tỉnh Övörkhangai của Mông Cổ và cách Ulaanbaatar, thủ đô hiện đại của đất nước, chỉ 350 km, đường đến Karakorum không chỉ là một con đường tuyệt đẹp mà còn mang đầy giá trị lịch sử.
Tuyến đường này từng là nơi giao thương buôn bán giữa các khu vực phía Đông và phía Tây, nơi các thương nhân và nghệ nhân người Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Duy Ngô Nhĩ, Sogdian, Hungary, Hy Lạp, Armenia, Alan và Gruzia gặp gỡ để mua bán tơ lụa, gia vị, trà, ngà voi, bông, len và kim loại quý, cũng như trao đổi văn hóa và kiến thức.
Khác với quan niệm cho rằng đế chế của Thành Cát Tư Hãn chỉ đặc trưng bởi sự chinh phục và áp bức. Karakorum hiện lên là nơi mà sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và sắc tộc phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy một môi trường hiểu biết và hòa hợp với nhau. Karakorum là một nơi đa dạng tôn giáo, với các cộng đồng Phật giáo, Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Có ít nhất 12 đền pagan giáo, hai nhà thờ Hồi giáo, một nhà thờ Ki-tô giáo và ít nhất một ngôi chùa Phật giáo bên trong thành phố.
Từng là một thành phố thịnh vượng có tầm quan trọng to lớn vào thời Đại Hãn (Thành Cát Tư Hãn), Karakorum trải qua giai đoạn suy tàn và cuối cùng bị bỏ hoang do một số nguyên nhân. Đầu tiên là việc Hốt Tất Liệt, người kế vị Thành Cát Tư Hãn, chuyển thủ đô của Đế quốc Mông Cổ đến Bắc Kinh 50 năm sau khi Karakorum bắt đầu phát triển.
Quyết định này đã chuyển trung tâm quyền lực ra khỏi Karakorum và góp phần làm giảm tầm quan trọng của nó. Một nguyên nhân khác là do thành phố phải đối mặt với những thách thức như nhiệt độ khắc nghiệt và khả năng bị tấn công, điều này có thể khiến người dân không muốn sinh sống ở đây. Kết quả là Karakorum rơi vào cảnh hoang tàn và biến thành đống đổ nát.
Karakorum mà chúng ta thấy ngày nay có thể không giống như thời của Đại Hãn. Tuy nhiên, cam kết gần đây của tổng thống Mông Cổ để tập trung cho việc hồi sinh Karakorum đã cho thấy những nỗ lực khôi phục các giá trị văn hóa và tìm lại danh tiếng như trước đây của thành phố.
Những mảnh ghép của quá khứ
Là một quốc gia với nền văn hóa du mục, Mông Cổ không còn quá nhiều dấu ấn của quá khứ. Thậm chí ngày nay, phần lớn lịch sử Mông Cổ với tư cách là một trong những đế chế lớn nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới vẫn là một bí ẩn.
Bên cạnh “Lịch sử bí mật của người Mông Cổ”, không còn nhiều tài liệu viết về Đế chế Mông Cổ. Sự hạn chế về các góc nhìn trực tiếp của người Mông Cổ cũng khiến việc hiểu biết toàn diện về lịch sử và bối cảnh văn hóa của đế chế trở nên khó khăn hơn.
Các cuộc khai quật trong và xung quanh Karakorum đã phát hiện ra những con đường trải nhựa, tàn tích của các tòa nhà bằng gạch, hệ thống sưởi sàn, bếp lò, bằng chứng về quá trình xử lý đồng, vàng, bạc, sắt, thủy tinh, đồ trang sức, các loại xương và vỏ cây bạch dương, cũng như tiền từ Trung Quốc và Trung Á, gốm sứ và lò nung. Nhiều khám phá này và những câu chuyện xung quanh chúng có thể được tìm thấy trong Bảo tàng Karakorum, một điểm tham quan hấp dẫn và hiện đại ở trung tâm thành phố.
Bảo tàng Karakorum là nơi trưng bày các hiện vật và khám phá thể hiện lịch sử phong phú của Mông Cổ. (Ảnh: Worawan Simaroj/Alamy Stock Photo).
Cây Bạc, một vòi nước có dạng hình cây ở Karakorum. (Ảnh: World History Encyclopedia).
Tuy nhiên, không có đồ tạo tác và triển lãm nào hấp dẫn bằng câu chuyện về Cây Bạc, một vòi nước có dạng hình cây. Theo truyền thuyết, Cây Bạc được trang trí với trái cây bằng bạc và bao gồm nhiều loại đồ uống có cồn khác nhau như rượu vang, sữa ngựa lên men (airag), rượu gạo và rượu mật ong phục vụ cho cháu trai của Thành Cát Tư Hãn và các vị khách của ông. Cây Bạc chưa được phát hiện và rất có thể đã bị phá hủy trong quá khứ nhưng câu chuyện về loại cây này cũng đủ khơi dậy sự tò mò về quá khứ của hoàng gia Mông Cổ.
Ngôi đền Phật giáo từ đống đổ nát
Việc thành lập Tu viện Phật giáo Erdene Zuu ở Karakorum vào thế kỷ 16, thời gian khu vực này bị bỏ hoang và trở thành đống đổ nát, đã có tác động đáng kể trong việc hồi sinh thành phố cổ này.
Tu viện Erdene Zuu, hay “Chùa Ngọc”, được xây dựng từ năm 1585 đến năm 1586. Đây là tu viện Phật giáo lâu đời nhất của Mông Cổ. Nằm ở tỉnh Ovorkhangai, cách Kharkhorin khoảng 2 ki-lô-mét về phía Đông Bắc, Tu viện Erdene Zuu được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO trong hạng mục “cảnh quan văn hóa của Thung lũng Orkhon”.
Abtai Han, người đứng đầu nhóm dân tộc Khalkha và là ông của Öndör Gegeen Zanabazar (một nhân vật tôn giáo và chính trị nổi bật ở Mông Cổ trong thế kỷ 17), đã cho xây dựng tu viện vào năm 1585 bên ngoài tàn tích của Karakorum, sau khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 3 và Phật giáo Tây Tạng được tuyên bố là tôn giáo của nhà nước ở Mông Cổ.
Tu viện Erdene Zuu của Karakorum là một địa điểm nổi bật ở Mông Cổ. (Ảnh: Tuul & Bruno Morandi/The Image Bank RF/Getty Images).
Kiến trúc của Tu viện Erdene Zuu phản ánh sự pha trộn nghệ thuật của Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Quốc, thể hiện những ảnh hưởng đa văn hóa đã hình thành truyền thống nghệ thuật của Mông Cổ. Thiết kế của tu viện đi theo các nguyên tắc kiến trúc Phật giáo Tây Tạng truyền thống, với một ngôi đền trung tâm được bao quanh bởi một bức tường có 108 bảo tháp (thánh tích Phật giáo). Những bảo tháp này đại diện cho 108 tập của Kangyur, là kinh điển Phật giáo Tây Tạng.
Tu viện có diện tích khoảng 400 mét vuông, là một khu phức hợp với các ngôi đền và tòa nhà hành chính. Ngôi đền chính, được gọi là Zuu of Buddha, được trang trí bởi các tác phẩm nghệ thuật công phu, gồm các tác phẩm chạm khắc tinh xảo, bích họa đầy màu sắc và tượng các vị thần Phật giáo. Đền trong khu phức hợp có các bộ sưu tập về hiện vật tôn giáo phong phú, bao gồm thangka (tranh cuộn), kinh sách tôn giáo và các đồ vật nghi lễ.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Tu viện Erdene Zuu có hơn 100 ngôi đền, khoảng 300 yurt (lều Mông Cổ) và 1.000 nhà sư cư trú. Ngày nay, tu viện là một trong những ngôi chùa Phật giáo linh thiêng nhất của Mông Cổ, những người Mông Cổ theo đạo Phật cho biết sẽ đến thăm khu phức hợp này ít nhất một lần trong đời.
Lưu giữ truyền thống cổ xưa
Trung tâm Thư pháp Mông Cổ Erdenesiin Khuree gần đây đã mở rộng và hiện cung cấp nhiều hội thảo và triển lãm hơn. Ảnh: Trung tâm Thư pháp Mông Cổ Erdenesiin Khuree
Thư pháp Mông Cổ giữ một vị trí quan trọng trong di sản văn hóa của Mông Cổ, phản ánh lịch sử phong phú và truyền thống nghệ thuật của khu vực. Chính tại thành phố cổ Karakorum, thư pháp Mông Cổ đã phát triển và lớn mạnh như một hình thức thể hiện đặc biệt. Trung tâm Thư pháp Mông Cổ Erdenesiin Khuree là một trong những trung tâm nổi bật nhất trong việc bảo tồn và quảng bá thư pháp Mông Cổ.
Trung tâm là nơi tụ họp của các nhà thư pháp, nghệ sĩ, học giả và những người có chung niềm đam mê với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trung tâm mở ra cơ hội để học hỏi, thực hành và đề cao sự phức tạp của thư pháp Mông Cổ.
Với việc mở rộng gần đây và khả năng tổ chức nhiều hội thảo và triển lãm ngoài thư pháp Mông Cổ, trung tâm tập trung vào việc quảng bá tất cả các khía cạnh của di sản Mông Cổ. Các buổi hòa nhạc giới thiệu âm nhạc truyền thống của Mông Cổ cũng như các lớp học về khoomei, hay nghệ thuật hát truyền thống của Mông Cổ, được tổ chức trong suốt mùa hè này. Ngoài ra, trung tâm dự kiến mở xưởng gốm vào tháng Chín tới.