Với những ai yêu thích các câu truyện văn học Nhật Bản chắc chắn sẽ không thể bỏ qua câu chuyện Totto-chan bên cửa sổ – tác phẩm được xem là một tác phẩm kinh điển của Nhật và được xuất bản từ rất nhiều năm về trước. Cuốn sách không mang tính triết lý quá vĩ nhân, chỉ đơn giản là những câu chuyện dễ thương của một cô bé 6 tuổi, để rồi từ những điều tưởng chừng đơn giản ấy lại chứa những suy ngẫm về vai trò của gia đình trong cách giáo dục trẻ em.
Cùng chúng tôi review sách “Totto-Chan bên cửa sổ” ngay trong bài viết sau.
Totto-Chan bên cửa sổ được viết bởi tác giả người Nhật
Cuốn sách là tác phẩm của nhà văn nữ Tetsuko Kuroyanagi. Bà được xem là một trong những tác giả tại Nhật có lượng sách viết về thiếu nhi bán chạy nhất. Ngoài công việc viết văn, bà còn là một diễn viên, ngôi sao truyền hình, vận động viên. Bà tham gia rất tích cực vào các hoạt động phi chính phủ, đảm nhiều vai trò cố vấn cho WWF và Đại sứ thiện chí của UNICEF.
Bà luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bởi vậy bà đã được nhà văn Donald Richie miêu tả trong cuốn “Chân dung Nhật Bản” là “Người phụ nữ nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất tại Nhật Bản”.
Nội dung chính của tác phẩm “Totto-Chan bên cửa sổ”
Cuốn sách như một dòng tự truyện của chính nhà văn Tetsuko và nhân vật cô bé Totto-Chan cũng chính là hiện thân của tác giả khi còn nhỏ. Những tình tiết, sự kiện trong truyện đều có thật tại Nhật vào những năm 40 của thế kỷ trước.
Câu chuyện xoay quanh kể về những kỷ niệm thật đẹp và rực rỡ của cô bé Totto-Chan dưới mái trường Tomoe thân thương. Totto-Chan không giống như những đứa trẻ bình thường, bởi em là một cô bé bị hội chứng tăng động quá mức. Mới lên 6 tuổi, Totto-Chan đã phải chuyển trường đến hai lần, trong giờ học cũng vì hiếu động em đã đóng mở nắp bàn hàng trăm lần khiến cô giáo đang giảng bài rất bực mình.
Totto-Chan luôn thích làm những gì mình yêu thích, em đứng bên cửa sổ lớp và em cất tiếng gọi mọi người lại gần lớp học và mời họ hát bài gì đó cho vui. Cô giáo trong lớp thấy thế nên đã đề nghị với mẹ cô bé chuyển trường vì sợ ảnh hưởng đến những bạn trong lớp.
Mẹ Totto-Chan rất buồn lòng vì hầu như không trường nào chịu nhận cô bé; tuy nhiên sau một hồi tìm kiếm thì đã có một ngôi trường đặc biệt tên là Tomoe quyết định nhận cô bé hiếu động, nghịch ngợm này. Ngôi trường Tomoe cũng rất khác biệt bởi trường là những toa tàu cũ được cải tạo thành lớp học và cả trường chỉ có hơn năm mươi học sinh. Mỗi học sinh ở đây đều khác biệt, thậm chí còn có nhiều bạn là trẻ em khuyết tật.
Ngày đầu đến trường, Totto-Chan đã thích thú với trường vì thầy hiệu trưởng đã dành 4 tiếng của buổi sáng chỉ để nghe cô bé kể hết chuyện này đến chuyện khác. Ở đây không hề tồn tại cái gọi là thời khoá biểu, học sinh thích môn nào thì cả lớp sẽ được học môn đó. Học sinh được phát triển theo sở trường, tự do thể hiện quan điểm cá nhân. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá, cắm trại để các em được gần gũi với thiên nhiên xung quanh.
Totto-Chan thật sự rất vui khi được học tại trường Tomoe, ở đây cô bé được tự do làm mọi điều mình thích và cô bé cũng quen với những người bạn khác biệt giống mình. Em đã kết thân với Yasuaki, một chú bé bại liệt cả tay và chân. Dẫu vậy, với lòng quyết tâm của hai đứa trẻ, chúng đã cùng nhau leo lên nấc thang cao nhất và tận hưởng “ngôi nhà trên cây” của Totto-chan.
Và cuối cùng, thì sau bao vất vả mệt mỏi tìm được ngôi trường phù hợp với Totto-Chan thì cô bé cũng đã được sống với những gì mình yêu thích, tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình. Cô bé đã có những kỉ niệm thật đẹp tại ngôi trường Tomoe, nơi đây sẽ chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa của Totto-Chan và rồi cô bé ấy sẽ có đủ dũng cảm, yêu thương và thành công như ngày hôm nay.
Ý nghĩa về giáo dục trẻ em trong “Totto-Chan bên cửa sổ”
Ngôi trường được xem là nền móng cho sự phát triển của trẻ
Qua tác phẩm ta thấy rõ, trường Tomoe và thầy hiệu trưởng Kobayashi đã thật sự quan tâm đến việc phát triển kỹ năng mềm cho những đứa trẻ. Học sinh được trải nghiệm thực tế, đi thăm thú chỗ này chỗ kia, được tìm hiểu về cây cối, động vật, được tự do nhảy múa và còn có thể ở lại trường chơi sau giờ tan học. Trường cũng dạy học sinh biết cách biết ơn đồ ăn cha mẹ dành cho chúng. Món của núi, món của biển, đó là cách mà học sinh gọi thức ăn trong bữa trưa tại trường. Tại đây, dường như không có sự phân biệt con nhà giàu – con nhà nghèo mà chỉ có sự yêu thương tràn ngập. Có thể học sinh đều rất khác biệt nhưng chúng đã rất yêu thương và cùng nhau học tập, vui chơi như anh em dưới một mái nhà.
Thầy cô chính là người gieo mầm ước mơ cho con trẻ
Thầy Kobayashi trong truyện chính là hình mẫu lí tưởng mà mọi người giáo viên đều nên noi theo. Ông luôn khuyến khích trẻ em được tự do khám phá, trải nghiệm, vẽ ra sân trường hay làm bất cứ thứ gì chúng muốn. Ông luôn có một lý do để nhìn thấy mỗi học sinh của ông đều rất tuyệt vời. Totto-chan hiếu động, nghịch ngợm, bị hết trường này đến trường kia từ chối thì lại được thầy Kobayashi đón nhận và lắng nghe như hai người lớn với nhau.
“Nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã mang đầy mặc cảm tự ti với cái mác đứa bé hư mà mọi người gán cho”.
Chính những ký ức đẹp đẽ về thầy Kobayashi mà Totto-Chan khi lớn lên vẫn lưu trong tiềm thức lời khen dành cho một người thầy tuyệt vời. Rất nhiều học sinh đã lớn lên và thành công nhờ nhiệt huyết với nghề giáo của thầy Kobayashi. Chính sự giáo dục tiến bộ của thầy đã chắp cánh cho ước mơ của những đứa trẻ trong Totto-chan bên cửa sổ bay cao và trở thành hiện thực.
Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách đứa trẻ
Nhắc đến sự thành công của tác phẩm, không thể không nói đến gia đình tuyệt vời của cô bé Totto-Chan, bởi nhờ có một gia đình mà cả bố và mẹ đều là những người có tư tưởng tiến bộ bởi thay vì thất vọng hay la lắng khi con gái bị đuổi học hết lần này đến lần khác, mẹ của Totto-Chan vẫn quyết tâm tìm được ngôi trường phù hợp với con mà không hề trách móc hay thất vọng về con mình là một đứa nghịch ngợm, hiếu động. Mẹ cô bé đã chọn cách im lặng chuyển trường mà không nói cho cô bé biết – chi tiết cho thấy tình yêu thương của mình và mong muốn con mình được phát triển một cách tốt nhất, tự tin về chính bản thân mình.
KẾT LUẬN:
Tác phẩm “Totto-Chan bên cửa sổ” với những tình tiết nhẹ nhàng tựa như một cuốn phim quay ngược về tuổi thơ của chính tác giả, không có quá nhiều tình tiết bất ngờ nhưng vẫn khiến người đọc không thể rời mắt. Câu chuyện cứ nhẹ nhàng, đáng yêu như tính cách của cô bé Totto-Chan, nhưng để rồi qua đó chúng ta lại tìm được những thông điệp sâu sắc cho chính bản thân mình trong hành trình trưởng thành và trở thành những người bố mẹ về sau.
Hy vọng bài viết review sách “Totto-Chan bên cửa sổ” đã thật sự thú vị với bạn, mong bạn hãy chọn mua sách và có thời gian ý nghĩa khi đọc sách.
Xem thêm:
Nguồn