85 lượt xem

Thành phố bao dung nhất Ấn Độ: Không ai phải chịu cảnh thiếu ăn

Làm sạch hồ nước thánh

Thành phố Amritsar ở phía Bắc Ấn Độ được biết đến với tinh thần hào hiệp, sự tốt bụng và lòng vị tha.

Amritsar là một thành phố phía Bắc Ấn Độ với 2 triệu dân. Nơi đây nổi tiếng với nhiều điều: ẩm thực ngon, khu phố cổ lịch sử và Ngôi đền Vàng (Golden Temple) hùng tráng – một ngôi đền linh thiêng trong đạo Sikh.

Amritsar được thành lập vào thế kỷ 16 bởi một bậc thầy đạo Sikh và nằm ở vùng Punjab – nơi bắt nguồn của đạo Sikh. Tôn giáo này nổi tiếng với truyền thống sevahoạt động từ thiện phục vụ nhân loại. Những người theo đạo Sikh trên khắp thế giới sẽ thực hiện seva trong gurudwaras (đền thờ của đạo Sikh), seva được thể hiện trong những hành động từ thiện như lau sàn nhà, phục vụ đồ ăn miễn phí, duy trì trật tự và tôn nghiêm trong đền thờ.

Làm sạch hồ nước thánh
Người theo đạo Sikh trên khắp thế giới làm các hoạt động seva, chẳng hạn như làm sạch hồ nước thánh của Đền Vàng

Nhìn chung Seva là thực hiện những điều thiện, cho đi mà không cần đáp lại. Seva xoay quanh sự hào phòng, vị tha. Đây còn là lẽ sống, là một kiểu thực hành tâm linh của người theo đạo.

“Tên gọi khác của seva là tình yêu”, Abhinandan Chaudhary, 23 tuổi, người đã thực hiện các hoạt động seva cùng gia đình từ năm 8 tuổi, cho biết.

Sự hào phóng của đạo Sikh có thể cảm nhận rõ rệt dù ở bất kỳ đâu trên thế giới. Trong thời điểm Covid-19, các tình nguyện viên theo đạo Sikh trong một gurudwara ở Anh đã giao hàng nghìn bữa ăn mỗi ngày cho nhân viên làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia. Ở Hoa Kỳ, người theo đạo Sikh cũng nấu hàng trăm nghìn bữa ăn miễn phí. Trong những tình huống nguy cấp như gió bão ở Canada hay lốc xoáy ở New Zealand, cộng đồng người theo đạo Sikh cũng tập hợp lại để giúp đỡ người gặp khó khăn. Vào tháng 4/2021 khi Covid-19 tàn phá các gia đình trên khắp Ấn Độ, cộng đồng người Sikh thậm chí còn hỗ trợ cung cấp bình oxy và các vật tư y tế cần thiết.

Ở Amritsar, nơi khởi nguồn của của đạo Sikh, việc thực hiện seva được nâng lên một tầm cao mới. Người Ấn Độ ở khắp nơi đều biết rằng không một ai sống ở thành phố Amritsar mà phải đi ngủ với một cái bụng đói. Đó là vì người ta luôn phục vụ các suất ăn nóng hổi tại Đền Vàng.

Đền Vàng có langar – nhà bếp lớn nhất thế giới, phục vụ 100.000 người mỗi ngày, xuyên suốt 7 ngày 1 tuần, không có sự phân biệt đối xử nào ở đây.

Nhà bếp chung của chùa Vàng
Nhà bếp chung của Chùa Vàng – phục vụ bữa ăn nóng sốt cho 100.000 người mỗi ngày.

Đầu bếp đạt sao Michelin, Vikas Khanna nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Amritsar và chúng tôi có một bếp ăn cộng đồng khổng lồ, đủ để phục vụ cho cả thành phố”.

Một quy trình vận hành nghiêm ngặt 

Giống như tất cả các gurudwara, Đền Vàng được vận hành một cách có hệ thống và cực kỳ kỷ luật. Tại đây có một đội tình nguyện viên hỗ trợ phục vụ các bữa ăn cơ bản như đậu lăng, chapattis (bánh mì dẹt), món hầm đậu xanh và sữa chua. Hỗn hợp đựng trong đĩa thép không gỉ.

Đền  Vàng.
Đền  Vàng.

Mọi người ngồi khoanh chân trên sàn trong những hội trường lớn với sức chứa khoảng 200 người. Tại đây có đủ kiểu người, đàn ông và phụ nữ, người già và người trẻ, người giàu và người nghèo. Một số người gọi thêm đồ ăn, nhưng cũng có ăn hết đĩa của mình rồi rời đi luôn. Sau mỗi 15 phút, các tình nguyện viên dọn dẹp và chuẩn bị cho các lượt ăn tiếp theo. Đó là một chu kỳ không bao giờ kết thúc.

Sự hào phóng và tốt bụng dường như hiện diện ở mọi nơi trong thành phố Amritsar, không chỉ trong những khu vực linh thiêng mà ngay cả ở ngoài đường. Chỉ cần người ta trông thấy bạn bối rối khi đang lạc đường, họ sẵn lòng đến gần hỏi thăm và giúp đỡ. Khi đi bộ trên phố vào ban đêm, bạn sẽ gặp vài người qua đường nhắc bạn cẩn thận túi xách. Một số người dành sự quý mến đặc biệt với khách nước ngoài, họ có thể sẵn sàng nhường chỗ cho bạn. Chỉ cần một cái nhìn niềm nở và một nụ cười là đủ để những người xa lạ có thể cùng nhau uống trà và đàm đạo về cuộc đời.

Amritsar được thành lập vào thế kỷ 16 bởi một đạo sư Sikh.
Amritsar được thành lập vào thế kỷ 16 bởi một đạo sư Sikh. Nơi này giờ đây trở thành trung tâm tâm linh của đạo Sikh.

Rahat Sharma, người sinh ra và lớn lên ở đây, chia sẻ: “Lớn lên ở Amritsar, tôi có cảm giác được sống trong một cộng đồng lớn. Mọi người quan tâm nhau, kể cả người theo đạo Sikh và đạo Hindu, hai tín ngưỡng chiếm đa số trong thành phố, sống với nhau rất yêu thương, hòa thuận, cho dù có những đối nghịch chính trị nhất định”.

Không lạ khi thành phố này luôn tràn đầy năng lượng, bởi Amritsar được coi là thành phố của thần thánh và sự sống. Các món ăn đường phố như kulchas (bánh mì dẹt) và chole (đậu gà hầm), phirni (bánh gạo) đựng trong nồi đất sét truyền thống và những ly sữa bơ, là món ăn mà nhiều người Ấn Độ ao ước. Khu phố cổ tuyệt đẹp, những mê cung nhỏ hẹp, những khu chợ sôi động và nhộn nhịp dường như đã bị thời gian bỏ quên.

Đạo Sikh nhấn mạnh vào việc làm việc thiện và giúp đỡ người khác
Đạo Sikh nhấn mạnh vào việc làm việc thiện và giúp đỡ người khác.

Trong quá khứ, Amritsar từng diễn ra nhiều sự kiện bi thảm do chiến tranh. Đã có nhiều người theo đạo Sikh vô tội phải nằm xuống trong các sự kiện thảm sát. Người Sikh vẫn lưu giữ ký ức về những sự kiện này, nhưng họ kể lại không phải để kích động hận thù, mà để nhấn mạnh vào công lao và di sản của những người đi trước.

Càng đáng ngưỡng mộ hơn khi ta biết rằng một cộng đồng từng hứng chịu quá nhiều tổn thương lại sẵn sàng cho đi và học được cách chấp nhận. Theo Khanna, những đặc điểm này là một phần không thể thiếu để trở thành người theo đạo Sikh. Họ không chỉ thân thiện mà còn sẵn sàng đón nhận mọi người, bất kể đức tin hay tín ngưỡng.