Cách thủ đô Abakan của Cộng hòa Khakhassia khoảng 70 km là một trong những địa điểm huyền bí nhất ở Siberia – “Thung lũng của các vị vua” trên thảo nguyên Salbyk.
Nằm giữa thảo nguyên rộng lớn của cộng hòa Khakassia, phía nam vùng Siberia của nước Nga có một địa điểm có sức hút không chỉ với các du khách mà còn với nhiều nhà khảo cổ và sử học – những ngôi mộ cổ trên thảo nguyên Salbyk. Đó là những bãi đá cổ hàng nghìn năm tuổi, được ví như khu cự thạch nổi tiếng Stonehenge của xứ sở sương mù. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, nơi đây còn lưu dấu tích của một nền văn hóa cổ đại ở Siberia.
Những bãi đá ở “Thung lũng của các vị vua” trên thảo nguyên Salbyk đã có mặt tại đây hàng nghìn năm, đây là dấu tích còn lại của một trong những gò mộ cổ – gò mộ lớn Salbuk, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 Trước Công nguyên. Tại đây, trên một lãnh thổ rộng lớn gần 10 nghìn ha có đến 58 gò đất được bao xung quanh bởi những khối đá khổng lồ, mà cao nhất là phiến đá 12m có trọng lượng ít nhất là 70 tấn.
Đây là dấu tích còn lại của một trong những gò mộ cổ – gò mộ lớn Salbuk
Theo các nhà khảo cổ, đây là dấu ấn của các bộ lạc du mục thuộc nền văn hóa Tagar cổ đại, mà cho đến nay công nghệ di chuyển và xếp đặt những khối đá này tại đây vẫn còn là điều bí ẩn.
Theo ông Vasily Borgoyakov, Giám đốc quần thể “Những ngôi mộ cổ trên thảo nguyên Salbyk”, di tích này lần đầu tiên được biết đến trong sử liệu của người Khakass vào thế kỷ 18, nhưng chỉ đến những năm 1950, các cuộc khai quật khảo cổ mới được tiến hành.
Ông Vasily Borgoyakov – Giám đốc Khu di tích “Những ngôi mộ cổ trên thảo nguyên Salbyk”, CH Khakassia, LB Nga: “Vào thời điểm khai quật gò đất này cao 11m, chiều dài và rộng 70m. Có 23 khối đá được dựng thẳng, tất cả được đặt theo hướng đi của ánh sáng – Đông sang Tây. Tính ra là người Tagar đã mang đến đây 24 nghìn m3 đất đặc biệt, với thành phần khoảng 50% cát, 50% đất sét – loại đất rắn chắc hơn khi ướt và họ đã tạo nên một kim tự tháp”.
Những gì còn lại đến hôm nay là hàng rào vuông vắn với những phiến đá cổ.
Theo di chứng khảo cổ, gò mộ có chiều cao ban đầu 30m, là nơi chôn cất các vị thủ lĩnh quyền lực của bộ lạc. Những gì còn lại đến hôm nay là hàng rào vuông vắn với những phiến đá cổ, có chiều cao trung bình 5-6m, trọng lượng 40-50 tấn. Điều ngạc nhiên là các mỏ đá mà con người của 2.500 năm trước đã khai thác nằm cách xa địa điểm xây dựng hàng chục km.
“Các phiến đá sa thạch kỷ Devon – sa thạch đỏ cổ được lấy từ bờ sông Esenin, cách đây 65km theo đường thẳng. Những khối đá nằm ngang được đưa về cách đây 25km từ núi đá Khuzyl Khaya. Người Tagar có các chuyên gia khai thác đá, bằng cách nào đó họ khoan, đục và đóng chúng bằng nêm gỗ”, ông Vasily Borgoyakov nói.
Gò mộ có chiều cao ban đầu 30m, là nơi chôn cất các vị thủ lĩnh quyền lực của bộ lạc.
Thời gian, chiến tranh và những lần bị cướp phá – Những dấu tích còn lại ở “Thung lũng các vị vua“ vẫn minh chứng cho sự tồn tại quyền lực mạnh mẽ giữa thảo nguyên, và là niềm tự hào của người Siberia.
Thế kỷ thứ ba Trước Công nguyên, vó ngựa trường chinh của người Hung Nô đã vượt qua Trung Á, thống trị cả vùng thảo nguyên rộng lớn phía nam nước Nga. Nền văn hóa Tagar độc đáo đã bị chôn vùi, đến nay còn nhiều huyền thoại về những gò mộ cổ. Và những chuyến đi ngược dòng thời gian, tìm kiếm những câu trả lời lịch sử chưa bao giờ dừng lại.