Mới đây, Angela Phương Trinh gây tranh cãi vì loạt phát ngôn có liên quan đến ông Thích Minh Tuệ. Theo đó, trên trang cá nhân, cô đăng tải những bài viết và video với ngôn từ nặng nề, có tính kích động nhằm hạ thấp uy tín của một số cá nhân và tổ chức.
Nữ diễn viên gọi những người có quan điểm và hành vi trái ngược là “giặc” và cho rằng, họ đang “phá hoại”, “lật đổ Phật giáo”. Thậm chí, cô còn chỉ trích một tôn giáo khác.
Nữ diễn viên phim Kính Vạn Hoa có nhiều phát ngôn liên quan đến tôn giáo
Bài đăng này đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác khác nhau. Rất nhiều bình luận bày tỏ sự phẫn nộ với những quan điểm của “nữ hoàng thị phi”.
Theo thông tin từ báo Dân Việt, trước những ồn ào trên mạng xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã vào cuộc và cho biết sẽ xác minh vụ việc này.
Giữa thời điểm nhận về “bão” chỉ trích từ cư dân mạng, Angela Phương Trinh vẫn tiếp tục hoạt động bình thường trên mạng xã hội. Không những thế cô liên tiếp đăng tải những bài viết mới về chủ đề gây tranh cãi.
Hiện ở trang Facebook, nữ diễn viên khóa bình luận, còn trên Instagram, cô không còn khóa bình luận mà đã mở chức năng này ở bài viết mới nhất.
Hành động của Angela Phương Trinh khiến cộng đồng mạng càng thêm phẫn nộ. Nhiều người cho rằng, cô đang có thái độ thách thức dư luận, chưa nhận được lỗi sai của mình. Thậm chí, có người băn khoăn về trạng thái tâm lý của nữ diễn viên sinh năm 1995 khi liên tiếp đăng tải những bài viết gây xôn xao.
Liên quan đến những phát ngôn của sao nữ phim Kính Vạn Hoa, dẫn tin từ báo Tiền Phong, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Hà Nội) – nhận định nghệ sĩ phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội không phải là chuyện lạ. Đôi khi những phát ngôn này xuất phát từ vấn đề nhận thức, quan điểm cá nhân, hoặc với mục đích muốn gây sự chú ý, nổi tiếng một cách bất chấp.
Việc phát ngôn đi quá giới hạn pháp luật cho phép có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã vào cuộc và cho biết sẽ xác minh vụ việc liên quan đến Angela Phương Trinh
Luật sư phân tích nghệ sĩ đưa tin sai sự thật hoặc cung cấp thông tin không chính xác, sử dụng ngôn ngữ gây mâu thuẫn, xung đột về tín ngưỡng tôn giáo, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục hoặc lôi kéo kích động phe nhóm gây chia rẽ mất đoàn kết, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật an ninh mạng và vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ trên không gian mạng.
“Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Trường hợp Angela Phương Trinh từng bị xử phạt vi phạm hành chính, tiếp tục vi phạm trong thời hạn không quá một năm chính là yếu tố có thể tăng tính chất nghiêm trọng của sự việc, tăng mức xử phạt.
Mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội từ 5-10 triệu đồng. Đối với một bộ phận lớn người dân, mức xử phạt này có tác động lớn, tuy nhiên đối với một số nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL, người kinh doanh sản phẩm… mức xử phạt này còn thấp
Angela Phương Trinh có thể nhận mức xử phạt được quy định gồm phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đồng nếu được xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử: “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực…”, hoặc vi phạm Bộ quy tắc Ứng xử trên mạng xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT), Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật theo Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL.
Ngày 13/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Theo đó, quy tắc ứng xử đối với người hoạt động nghệ thuật trên báo chí, truyền thông và không gian mạng được chỉ rõ như không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, không đăng tải, chia sẻ nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng…
Song quy tắc ứng xử chỉ mang tính định hướng để những người hoạt động trong ngành nghệ thuật điều chỉnh hành vi. Thực tế vẫn tồn tại những trường hợp cố tình gây sự chú ý bằng scandal, lặp lại nhiều lần gây bức xúc dư luận…
Bộ VHTTDL đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng quy định hạn chế hình ảnh đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi này trên sóng truyền hình và các phương tiện biểu diễn, phương tiện thông tin đại chúng. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm mức răn đe cao hơn đối với những trường hợp vi phạm.
Trong cuộc họp thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ TT&TT, lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho rằng hiện mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội còn thấp.
Mức xử phạt đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên mạng xã hội từ 5-10 triệu đồng. Đối với một bộ phận lớn người dân, mức xử phạt này có tác động lớn, tuy nhiên đối với một số nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL, người kinh doanh sản phẩm… mức xử phạt này còn thấp.
“Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy khó có mức xử phạt đủ sức răn đe vì nhiều trường hợp nghệ sĩ có mức thu nhập hàng tỷ đồng, mức xử phạt cả trăm triệu đồng cũng chưa đủ sức răn đe”, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nhận định.
Bộ TT&TT đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó có những quy định cụ thể về sử dụng mạng xã hội. Dự kiến giữa năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới.
Theo Gia đình Việt Nam