“Đừng chết trên giảng đường” – cuốn sách gối đầu giường của các sinh viên. Chúng ta sẽ được khám phá những kỹ năng để ứng dụng vào thực tế trong cuốn sách này.
- 50 điều trường học không dạy bạn và 20 điều cần làm trước khi rời ghế nhà trường
- Những ảo tưởng trước và sau khi sinh viên mới ra trường
Cảm nhận về sách
Khi vừa mới trải qua kỳ thi Đại học nhiều tân sinh viên bắt đầu mơ mộng về cuộc sống lên Đại học sung sướng, không có sự quản thúc của bố mẹ, được tận hưởng khoảng thời gian thoải mái. Mỗi ngày đều không lo nghĩ đến việc kiểm tra bài cũ thật thoải mái biết bao. Tuy nhiên chính vì sự thờ ơ với tất cả mọi thứ ở bên ngoài thế nên nhiều sinh viên rơi vào chán nản vì không biết nên định hướng tương lai như thế nào.
Ngành học trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết, không biết sau này ra trường sẽ làm công việc gì, học hành thì không chú ý, đi chơi nhiều hơn thời gian dùng để phát triển bản thân. Cuộc sống mỗi ngày đều là tạm bợ, chẳng có một chút ý chí nào dần dà nhiệt huyết tuổi trẻ của bạn cũng bị những thói quen xấu ấy bào mòn. Những giấc mơ thành công ấy đều dành cho người khác, ngoài chuyện ngày nào cũng cảm thấy mệt mỏi của bạn thì tuổi trẻ chẳng còn đọng lại được điều gì trong đầu.
Cứ mỗi một mùa thi chuẩn bị đến rất nhiều sinh viên đại học cùng chung cảnh ăn ngủ tại thư viện, thức ngày thức đêm để học bài. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy sinh viên tranh thủ từng giây, từng phút để hoàn thành nhiệm vụ đó là cuộc thi cuối kỳ đầy cam go. Ai cũng biết rõ rằng cả một kỳ kéo dài trong mấy tháng rất dài tuy nhiên vì tư tưởng muốn chơi và thoải mái thế nên rất nhiều sinh viên lựa chọn gần ngày thi mới bắt đầu ôn bài. Chính vì thế tuổi trẻ của nhiều người gắn liền với hai chữ “thi lại” và “học lại”.
Ngày bình thường chẳng bao giờ muốn học hành nghiêm túc, thời gian chủ yếu dành để chơi game, nghịch điện thoại đến hết ngày, đêm thì thức khuya đến tận 2 3 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Sáng mai đến giảng đường trong tình trạng không thể mệt mỏi hơn. Nếu cảm thấy cuộc sống vô vị thì lại bắt đầu than vãn cuộc sống Đại học thật nhàm chán, học hành hay bất cứ việc gì đều cảm thấy không thuận lợi. Bạn lại bắt đầu nhìn về những thành tích một thời ở cấp 3, trước khi bắt đầu một kỳ học mới bạn luôn hứa với bản thân rằng mình phải thay đổi. Kết quả kỳ nào cũng như kỳ nào bạn đều lơ là việc học, trở thành một con sâu lười.
Rất nhiều sinh viên đã “chết” trên giảng đường Đại học bởi những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng đó không phải gọi là tuổi trẻ. Hay những ngày nằm dài trong phòng chỉ biết làm bạn cùng điện thoại đó cũng không được gọi là tuổi trẻ. Tuổi trẻ phải là những tháng ngày bạn không ngừng phấn đấu, không ngừng khám phá thế giới và phát triển bản thân mình.
Đừng chết trên giảng đường là một cuốn sách tạo động lực cho sinh viên có một thanh xuân rực rỡ, từ đó vạch ra hướng đi cho tất cả chúng ta, để hiểu rõ được mục tiêu và định hướng cá nhân của bản thân.
“Dù đó là chuyện học hành hay vấn đề trong cuộc sống, dù đó là chuyện đại sự quyết định số phận hay chỉ là những chuyện vặt vãnh đời thường, cũng đều cần lập một kế hoạch toàn diện trước, mới mong đạt được kết quả tốt.
Nếu không xây dựng được kế hoạch tốt trước đó, bạn sẽ bị cuốn theo sự việc, hoặc bạn sẽ nghĩ đến đâu làm đến đó. Điều này sẽ làm lãng phí rất nhiều thời gian vào những việc không liên quan và trì hoãn những điều quan trọng.”
Nếu phần lớn thời gian học Đại học của bạn chỉ có đi chơi, nghịch điện thoại, không phấn đấu vì bản thân thì đến lúc ra trường cầm một tấm bằng không có chút kinh nghiệm nào thì bạn lấy gì để tạo uy tín cho các nhà tuyển dụng.
Xã hội này không hề dễ dàng với bất cứ ai, trong một môi trường mà khả năng cạnh tranh khốc liệt như thời buổi hiện tại chúng ta chẳng còn cách nào ngoài cố gắng hết mình. Muốn trở thành người bạn yêu thích, khoác lên mình dáng vẻ mà bạn vẫn hằng mơ ước thì bạn nhất định phải chăm chỉ.
Đừng chết trên giảng đường là những câu chuyện về sinh viên vô cùng chân thật và gần gũi, những câu chuyện mà chúng ta có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi trên giảng đường Đại học. Sau đó là bài học kinh nghiệm đầy quý báu từ tác giả, sau khi đọc xong cuốn sách này bạn đọc sẽ có nhiều trải nghiệm mới mẻ về chuyện học Đại học.
Trích đoạn hay trong sách
Có một câu nói rất hay, lười biếng còn mệt hơn siêng năng.
Câu nói này có hai ý nghĩa: một là, người lười biếng không lao động, không có thu hoạch, lười biếng trong thời gian dài khiến cho kĩ năng sinh tồn rất kém, cuối cùng chỉ có thể chạy bốn phương tám hướng làm việc để đổi lại thù lao ít ỏi. Sự lười biếng của họ ngày hôm nay sẽ dẫn đến sự lao động vất vả hơn trong tương lai mà thôi. Đó là kiểu mệt mỏi đầu tiên.
Kiểu mệt mỏi thứ hai chính là sự lo âu, trống rỗng và nỗi sợ hãi về tương lai mờ mịt, không có điểm cuối ở trong lòng, lo lắng cũng dẫn đến mệt mỏi. Hai kiểu mệt mỏi này gộp lại còn mệt mỏi hơn rất nhiều lần người chăm chỉ phải mệt mỏi. Vậy nên, thay vì mệt mỏi và buồn chán, chi bằng hãy tận dụng nó thật tốt.
Lời kết
Đừng chết trên giảng đường một hồi chuông cảnh tỉnh các bạn trẻ cần phải nghiêm túc với ước mơ của mình. Sống hời hợt sẽ khiến cho bạn ngày một lao dốc, mất đi sự nhiệt huyết của tuổi trẻ như ban đầu và quan trọng hơn hết là ước mơ của bạn không lâu sau đó cũng sẽ biến mất. Hãy là một người sử dụng thời gian thông minh, không trì hoãn, không than vãn hay trách móc cuộc đời. Mỉm cười tận hưởng khoảng thời gian thanh xuân tươi đẹp của mình.
Cảm ơn mọi người đã đọc hết bài review của mình. Hy vọng rằng những chia sẻ của mình có thể giúp ích các bạn trong việc lựa chọn cuốn sách phù hợp với bản thân. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ. Thân!
Review bởi Dương Hạnh
Nguồn