157 lượt xem

[Review] Oppenheimer: Bom Nguyên Tử Là Cứu Tinh Của Nhân Loại?

Sau nhiều ngày chờ đợi, bom tấn Oppenheimer đã chính thức được ra mắt tại các rạp chiếu phim.

Lý do đầu tiên khiến Oppenheimer được chú ý đến từ cái tên Christopher Nolan. Hơn một thập kỷ nay, nhà làm phim đến từ nước Anh được xem là một trong những đạo diễn xuất chúng nhất thời hiện đại.

Không ngại đào sâu vào các chủ đề thách thức sự tập trung, phong cách làm phim của Nolan luôn đánh đố trí não và gây phấn khích tột độ mỗi khi câu chuyện được giải mã qua từng lớp ngụ ý. Từ Memento, trilogy về Batman, cho đến Inception hay Tenet…, Christopher Nolan luôn cân bằng tính hàn lâm và sự thương mại trong những tác phẩm của mình. Thêm vào đó, sự kỳ công và chỉn chu của ông còn thể hiện ở việc đề cao tính chân thực hết mức có thể của từng cảnh phim. Hạn chế tối đa CGI, Nolan dồn lực vào từng khung hình gây ấn tượng thị giác cực mạnh, ông đòi hỏi diễn viên bung hết lực tối đa để hoàn thành vai trò ở mức tốt nhất.

Thông tin về việc ông trồng hẳn một cánh đồng ngô thực sự trong Interstella, hay phá hủy cả chiếc Boeing 747 trên trường quay Tenet đã cho thấy Christopher Nolan có tư duy phá cách dị biệt trong thời đại mà điện ảnh “chân chính” dần trở nên lười biếng, quá dựa dẫm vào phông xanh. Dấu ấn cá nhân của Nolan còn thấy rõ hơn qua thông qua sự “độc bản” của hàng loạt ý tưởng gốc độc đáo. Ông xây dựng thương hiệu bằng kịch bản mới lạ, niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ 7 đã giúp Nolan bức phá mọi giới hạn, đem đến thành công không thể chối cãi. Có thể thấy, dù yêu thích hay chán ghét, dù còn nhiều tranh cãi thì phim của Christopher Nolan luôn đem đến trải nghiệm tuyệt vời, rất đáng để thưởng thức tại rạp.

Oppenheimer chính là phim mới nhất của ông. Ngay từ tiêu đề, rất rõ ràng để đoán được những gì mà phim sắp nói tới.

Oppenheimer là cha đẻ của bom nguyên tử, thứ vũ khí nhân tạo đáng sợ vẫn hằng ngày là mỗi hiểm họa rinh rập nền hòa bình thế giới. Tất nhiên với một thứ không hề bình thường như vậy, thì chủ nhân của nó cũng phải là cá thể phi thường.

Oppenheimer có say mê Vật lý đến mức từng bảo rằng ông cần Vật lý hơn là bạn bè. Mãi đắm chìm vào những vì sao, về vật chất nguyên tử, thế giới lượng tử…., sự dị hợm ấy khiến cho tâm lý của Oppenheimer gặp vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Vị tiến sĩ gốc Do Thái, với thành tích học tập và trí tuệ hơn người đã sớm nổi bật giữa vô vàn các nhà khoa học tài ba lỗi lạc khác. Điều này dẫn đến lý do ông được chiêu mộ vào dự án Manhattan – chính sách nghiên cứu hạt nhân của chính phủ Hoa Kỳ. Oppenheimer cùng hàng ngàn nhân sự trong giới khoa học kỹ thuật, cùng nhau ngày đêm vắt óc để làm sao qua mặt người Đức trong việc chế tạo bom nguyên tử.

Thế rồi bằng vụ thử nghiệm “Trinity” vào ngày 16/07/1945, chứng kiến thành công của quả bom, Oppeheimer lập tức có dự cảm bất lành về cuộc chiến, về chính tương lai của bản thân ông, về thứ được gọi là “thành tựu”.

Sự ám ảnh về sự kiện Hiroshima và Nagasaki đã dày vò Oppeheimer, đặt dấu chấm hỏi trong lòng ông về luân lý giữa khoa học – đạo đức. Oppenheimer muốn chối bỏ danh xưng “Cha đẻ bom nguyên tử”, nhưng nào có thể được, vì sự thật đã xảy ra không thể thay đổi nữa. Tài năng nổi trội đem đến vinh quang cho ông, đồng thời lôi kéo nhiều phiền toái đến từ những kẻ “không ưa” Oppenheimer.

Quãng thời gian trước khi tham gia chiến dịch Manhattan, lý lịch chính trị của Oppenheimer khá rắc rối. Thậm chí sự nghiêm ngặt trong khâu an ninh ở thời điểm làm việc tại Los Alamos, cũng khiến Oppenheimer bị tình nghi là gián điệp của Liên Xô. Chuyện bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi Oppenheimer bị tước quyền Miễn Trừ An Ninh, bị gán tội phản quốc. Kết thúc phiên điều trần, ông vẫn được kết luận là trung thành với Hoa Kỳ, tuy nhiên quyền Miễn Trừ An Ninh sẽ không được cấp lại.

Tóm tắt đời tư của Oppenheimer là như thế, Christopher Nolan gần như tái hiện trọn vẹn những sự kiện lịch sử đã xảy ra qua từng giai đoạn.

Điều mà một cuốn phim tiểu sử chính kịch dễ khiến mọi người ngao ngán, chính là chứa đựng nhiều thông tin và cột mốc quan trọng. Oppenheimer cũng không ngoại lệ, thoại phim nhiều và dồn dập dữ kiện. Trong khi “tiêu hóa” lý thuyết Vật Lý chưa xong, người xem lại phải ghi nhớ một loạt nhân vật, đầy rẫy diễn biến về tình hình chiến sự các nước trong Thế Chiến Thứ II.

Bắt gặp lời than phiền về thoại nhiều thì quá bình thường, thế nhưng cũng cần nghiêm túc ghi nhận và dành lời khen cho dàn diễn viên thượng hạng. Khi thông tin về việc Oppenheimer sẽ quy tụ nào là Cillian Murphy, Emily Blunt, Matt Damon, Robert Downey Jr., Florence Pugh, Rami Malek, Casey Affleck, Gary Oldman…., người hâm mộ đã háo hức nghĩ xem họ tỏa sáng trong phim thế nào. Câu trả lời là gần như sẽ chẳng còn nhận ra Robert Downey Jr. hay Cillian Murphy gì cả. Họ chính là nhân vật, như thể tất cả đều là người thật từ quá khứ trở về rồi ghé qua phim trường của Nolan.

Cillian Murphy là sự lựa chọn hoàn hảo cho vai Oppenheimer. Đôi mắt xanh sâu thẳm của anh như nhìn thấu cả vũ trụ và chứa đựng biết bao bí mật của chính cuộc đời Oppenheimer. Sự bất ổn trong nội tâm thời còn là cậu sinh viên, nét lém lỉnh trịch thượng của một người giỏi giang ý thức được mình tài giỏi, cảm giác tội lỗi khi gián tiếp gây ra sự mất mát khủng khiếp cho Nhật Bản…, mọi cung bậc cảm xúc đều được Cillian Murphy hóa thân trọn vẹn.

Về phía Robert Downey Jr., nam tài tử hoàn toàn lột xác với vai Lewis Strauss. Khó hình dung rằng đây chính là “thiên tài, tỷ phú, tay chơi, nhà từ thiện” Tony Stark. Lewis Strauss tử tế nhưng khó đoán, thoạt nhìn có vẻ đây là người giữ vai trò trung gian giúp tường thuật nội dung theo hướng đa chiều. Thực tế thì Lewis Strauss giữ vị trí then chốt khá quan trọng, giúp tháo gỡ những nút thắt khó nhằn nhất.

Gary Oldman, Rami Malek hay Casey Affleck cứ mỗi khi xuất hiện, đều là điểm nhấn với diễn xuất đỉnh cao không thể rời mắt. Ở tuyến nữ, Florence Pugh táo bạo và ma mị quyến rũ lạ thường. Emily Blunt lại điềm tĩnh và bản lĩnh trong từng phân cảnh. Dẫu sao đây cũng là truyền thống của Christopher Nolan khi mà nhân vật nữ tuy có cá tính, nhưng cũng chỉ là yếu tố tô điểm thêm chút thi vị cho tổng thể “bức tranh” mang tên Oppenheimer.

Tài chỉ đạo của Christopher Nolan còn ở việc biên tập và cắt dựng khâu hậu kỳ. Bố cục khung hình được chia ra giữa trắng đen – có màu là hoàn toàn có chủ đích. Điều này thể hiện góc nhìn chủ quan và khách quan của các nhân vật, hoặc giữa . Thủ pháp ẩn dụ thường thấy trong thể loại phim siêu thực cũng được Nolan áp dụng. Hình ảnh giọt mưa rơi xuống đất, bầu trời đầy sao, những tia lửa rực cháy ngoài thiên hà xa xăm…, mọi thứ tưởng chừng hỗn loạn nhưng lại có liên kết trực tiếp đến những quyết định và tầm nhìn của Oppenheimer. Chuỗi hình ảnh trên cũng miêu tả cụ thể tư duy sáng tạo lẫn cách mà bộ óc vĩ đại cảm nhận về Vật Lý, để rồi từ đó ông kết nối đến tất cả sự vận hành của vật chất và dòng chảy luân thường tuần hoàn của vạn vật.

Phần nhìn đã không gây thất vọng, thì phần nghe càng đặc sắc hơn hẳn. Âm thanh trong Oppenheimer sẽ chia khán giả thành hai nhóm. Một bên là thích thú đến mức ám ảnh, bên còn lại chỉ đơn giản thấy phiền và nhức đầu. Không chỉ riêng biểu cảm hay câu thoại, tiếng động giờ đây đại diện rõ hơn cho tâm trạng của nhân vật chính, hoặc là “tiếng nói” của cái gọi là khoảnh khắc trọng đại khi “Trinity” phát huy sức mạnh của nó. Có lúc sự dồn dập liên tục tác động lên thính giác của tất cả mọi người. Tưởng như có lúc nghẹt thở vì áp lực lẫn việc ăn năn trong những tràng vỗ tay cùng hàng trăm lời ca tụng. Đến khi tận mắt trông thấy thứ phát minh kia vận hành trơn tru ngoài sức tưởng tượng, không gian khi ấy lắng đọng đến bức bối. Để đến khi đạt đủ độ dồn nén, mọi việc “bùng nổ” như sẵn sàng thổi bay sự sống trên Trái Đất. Phân đoạn trọng điểm ấy không kèn trống nhưng vẫn “dữ dội” theo cách khốc liệt nhất.

Giờ ta đã trở thành Tử thần, kẻ hủy diệt các thế giới

Oppenheimer không phải kiểu phim dễ xem, đại chúng sẽ thích hoặc không thích. Dù bất luận là fan của Christopher Nolan, hay chỉ là một người bình thường đang thư thả vào cuối tuần và muốn thử “đổi gió” tại rạp. Tại sao không ngó qua Oppenheimer, đôi khi đấy là một cuộc dạo chơi không tồi chút nào đâu.

 

Nguồn GLX