Yêu nhau nhưng chưa chắc đến được với nhau. Đã từng ở cạnh nhau cũng chưa hẳn sẽ dừng chân bên nhau mãi.
Nói về tình yêu thì muôn vàn thứ để bàn. Vòng lặp thường vẫn luôn là người lạ – bạn bè – yêu nhau – lại thành người lạ. Nói theo cách của người lớn tuổi thì những trường hợp đấy chỉ là “có duyên không phận”.
Thế thì “nhân duyên” giữa người với người được định nghĩa ra sao?
Trong Past Lives, Nora từng nói rằng trong tiếng Hàn có một từ dùng để miêu tả “ý trời” hoặc “nhân duyên” được gọi là “In-Yun”. Cụ thể hơn, “In-Yun” nghĩa là khi hai người xa lạ lướt ngang trên đường phố và khẽ chạm quần áo vào nhau, khi ấy giữa họ đã có điều gì đó liên quan đến nhau từ kiếp trước. Nếu cả hai kết hôn, tức là đã trải qua 8000 lớp nhân duyên cùng nhau.
Nghe có vẻ hay ho và lãng mạn thật. Nhưng biết đâu đó chỉ cái cớ người Hàn dùng mỗi khi muốn tán tỉnh ai đó mà thôi. Dù sao thì 8000 lớp nhân duyên định mệnh ấy đôi khi chỉ thiếu đi vỏn vẹn “1 kiếp” vẫn là không trọn vẹn.
Hae Sung và Nora vốn là một cặp thanh mai trúc mã. Nàng thì học giỏi và đầy hoài bão. Chàng cũng không thua kém và lúc nào cũng có tinh thần cầu tiến. Năm 12 tuổi, Nora theo gia đình để di dân, thế là đôi trẻ đành xa nhau và tưởng chừng sẽ không hẹn ngày gặp lại. Rồi 20 năm sau, Nora vẫn theo đuổi sự nghiệp viết lách của mình, Hae Sung thì thực hiện nghĩa vụ quân sự và có công việc ổn định. Nào có ngờ, cậu Hae Sung si tình vẫn mãi tìm kiếm cô bạn Na Young (tên Hàn của Nora lúc bé) khắp nơi.
Một lần nữa, họ lại kết nối với nhau. Tất nhiên với khoảng cách địa lý như vậy thì rất khó để duy trì sự cuồng nhiệt. Đứng trước lựa chọn khó khăn trong cuộc đời: tình yêu hay sự nghiệp, cả Nora hoặc Hae Sung đều chọn cách gạt bỏ chuyện tình cảm qua một bên, chấp nhận tạm thời ngừng liên lạc và chăm chỉ phấn đấu hoàn thành tốt con đường mưu sinh của bản thân.
Kế đến thì Nora lấy Arthur – một ông chồng Mỹ da trắng, Hae Sung có bạn gái, tiếp theo là những nốt thăng trầm trong cuộc sống của cặp nhân vật chính. Cuối cùng thì họ vẫn gặp nhau, cùng nhau đi nốt phần còn lại của cái gọi là “In-Yun”. Trong một tình huống trớ trêu nhất, Nora lẫn Hae Sung đã rất nồng nàn, rất hòa nhập…, rất văn minh kể cả khi ở hoàn cảnh bối rối cùng hàng tá suy nghĩ hỗn loạn.
Past Lives được ghi hình bằng máy quay 35mm, từng góc máy đều được trau chuốt như thể mỗi cảnh phim đều có hàng ngàn tâm sự muốn thổ lộ với người xem. Màu phim ám vàng đầy hoài niệm cũng phần nào khơi gợi cảm xúc của những ký ức xưa cũ trở về trong mỗi người.
Nghe qua thì rõ ràng đây là kịch bản về cuộc tình tay ba quen thuộc. Một người lập gia đình và người yêu cũ của người đó bỗng xuất hiện, có nguy cơ gây xáo trộn mọi thứ. Tuy vậy, phim không dùng những màn tranh giành người yêu, trả đũa qua lại, tâm lý đau khổ dằn vặt để khai thác phần nội dung. Đạo diễn Celine Song mượn câu chuyện tình yêu để nhắc đến những gì trần trụi thực tế nhất: nỗi niềm của những cá thể cô đơn tại nơi đất khách quê người, sự hy sinh và đánh đổi để họ tồn tại trong xã hội vốn khắc nghiệt qua từng ngày theo quá trình trưởng thành, học cách chấp nhận rằng mọi việc không hề vận hành theo mong muốn của mình.
“Na Young 12 tuổi hay khóc nhè mà anh nhớ, đã không còn ở đây nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô bé ấy chưa từng tồn tại. 20 năm trước, em đã để cô ấy ở lại Hàn Quốc bên cạnh anh.”
Mỗi quyết định của Nora hay Hae Sung đều mang tính chất đúng đắn. Ngay từ nhỏ, Nora đã ý thức được mục tiêu của mình. Cô tập trung vào chuyên môn, vạch ra kế hoạch từng bước để hoàn thiện ước mơ. Thậm chí, khán giả còn có cơ hội cảm nhận rõ sự thay đổi trong tư duy của Nora. Sau nhiều “va chạm”, sự từng trải giúp cô hiểu hơn về lĩnh vực đang theo đuổi, rút ra nhiều kinh nghiệm và biết đặt giới hạn cụ thể để đạt thành công. Sự linh động và nhạy bén của Nora đem đến cảm giác cô biết cách hòa hợp với môi trường sống mọi nơi. Nói cách khác, việc sống ở nước ngoài từ nhỏ đã khiến cô có phần phóng khoáng hơn về tâm hồn, cởi mở hơn ở tư duy.
Trái ngược với sự tân thời phương Tây của Nora chính là nét truyền thống đậm chất Á Đông ở Hae Sung. Thường nghe bảo “nam nhi chí tại bốn phương”, Hae Sung cũng là đấng trượng phu từng “vùng vẫy” nơi xứ người để học hỏi những điều mới mẻ. Tuy nhiên, địa điểm anh tới vẫn là một quốc gia thuộc Châu Á. Lần xuất ngoại thứ hai trong đời Hae Sung chính là tới New York ghé thăm mối tình đầu thuở nào của mình. Tại đấy, Hae Sung vẫn cứ là Hae Sung. Anh chỉn chu, phong độ, bảnh trai, theo lời nhận xét của Nora là cực kỳ cuốn hút. “Đối thủ” nặng ký đến vậy, thử hỏi làm gì có ông chồng nào còn dám bình thản an tâm để vợ mình gặp người ấy và còn dành cả ngày tung tăng dạo chơi khắp thành phố.
Rất nhiều câu hỏi “nếu như” được 3 người Nora – Hae Sung – Arthur đặt ra. Cuộc gặp gỡ giữa Hae Sung và Arthur cũng có thể xem là một dạng “In-Yun” rồi đấy. Ấy vậy mà dù có là gì đi nữa, nhìn vào cách hành xử của Arthur thì bất kỳ ai trong rạp chiếu phim cũng sẽ đồng tình rằng Nora đã chọn đúng người.
“Na Young à, nếu như coi hiện tại là “kiếp trước”. Vậy em nghĩ kiếp sau chúng mình sẽ trở thành gì?”
Bất kể lý do Nora đến với Arthur là gì đi nữa, bất chấp việc có những “góc khuất” ẩn sâu ở nơi Nora mà anh sẽ mãi không bao giờ thấu hiểu được, thì Arthur vẫn luôn yêu thương và cảm thông với cô. Trong phút chốc, anh dường như không phải gã trai Tây nóng bỏng lạnh lùng mà lại trở thành người đàn ông ngọt ngào, chân thành yêu thương Nora hết mực. Arthur tôn trọng Nora, quan tâm và dịu dàng với cô trong mọi hoàn cảnh, hệt như cô nàng là “bảo bối” cưng của anh. Nora có làm gì, đi đâu, như thế nào thì Arthur vẫn ở đó theo cách nhẹ nhàng nhất tựa như “có anh ở đây, anh đợi này”.
Buồn man mác có lẽ là cảm giác dễ hình dung nhất khi nói về Past Lives. Sau Everything Everywhere All At Once thành công rực rỡ vào năm ngoái, A24 lại tiếp tục đem đến một tựa phim hay khác nữa. Lần này không còn điên loạn hay khó hiểu gì cả, chỉ có sự giản đơn và đời thường một cách tuyệt đối.
Mỗi cá nhân đôi lúc sẽ bất chợt bắt gặp hình ảnh của chính mình đâu đó trong Past Lives, thôi thì cứ trải nghiệm và tự cảm nhận để thấy được điện ảnh thú vị và diệu kỳ đến nhường nào.
Nguồn